Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại TP Đà Nẵng hiện chỉ có thể tiếp cận đến tầng 10, tức khoảng 30m trở xuống khi có sự cố cháy nổ tại các chung cư, khách sạn, tòa nhà cao tầng. Nếu xảy ra cháy ở vị trí cao hơn thì tất cả phụ thuộc vào hệ thống chữa cháy tự động và phương tiện tại chỗ của công trình đó. Trên thực tế, đây là câu chuyện mà ngành chức năng lo ngay ngáy, còn nhiều chủ các công trình thì lại... ngó lơ!
Xe thang và áp lực nước từ xe chữa cháy hiện tại chỉ đáp ứng được tới tầng 10 của các tòa nhà cao tầng. Trong ảnh: Cảnh sát PCCC Đà Nẵng diễn tập chữa cháy tại một công trình cao tầng.
Cao thì lo, cũ thì sợ
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, thành phố hiện có khoảng 158 nhà cao tầng với chiều cao từ 25m trở lên. Trong đó có 114 khách sạn, 37 tòa nhà cho thuê căn hộ, chung cư và văn phòng làm việc, 4 bệnh viện, 3 trường học. Các công trình thuộc diện này tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Gần đây, có nhiều dự án nhà cao tầng với chiều cao hơn 100m đã xây dựng và đưa vào hoạt động như khách sạn Novotel, Trung tâm hành chính thành phố… Bên cạnh đó, còn có hàng trăm khu chung cư, nhà liền kề đang trong quá trình xây dựng cũng như đã đưa vào sử dụng.
Về cấu trúc, đây là những cơ sở có chiều cao lớn hơn so với các công trình khác, phần lớn diện tích sử dụng được xếp chồng lên nhau theo phương đứng, các hệ thống kỹ thuật như điện, nước, hệ thống thông cũng được thiết kế, bố trí theo cấu trúc của tòa nhà. Hầu hết các công trình đều có công năng được bố trí kết hợp như căn hộ, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí. Với tính chất “nhiều trong một” như vậy nên tại những nơi này thường tập trung đông người, nhiều phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa, vật liệu dễ cháy.
Theo lực lượng chuyên môn, tại các công trình này, lối thoát nạn duy nhất là cầu thang bộ nên nếu có sự cố cháy nổ tại các tầng cao thì việc di chuyển rất khó khăn, chưa nói đến nhiều nguy cơ khác trong quá trình di chuyển. Nguy cơ cháy nổ không chỉ đến từ việc sinh hoạt của người dân mà hệ thống kỹ thuật đi kèm của tòa nhà như trạm biến áp, máy phát điện, hệ thống điều hòa, thông gió, thang máy, tivi, tủ lạnh… cũng tiềm ẩn hiểm họa nếu xảy ra chập cháy.
Đại tá Nguyễn Phong–Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước, xe thang của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chỉ hoạt động đến độ cao của tầng 10, tức là khoảng 30m trở xuống. Theo quy định, từ vị trí này trở lên các tòa nhà phải có hệ thống chữa cháy tự động. Các công trình xây dựng sau năm 2012 thì tuân thủ tương đối tốt, còn các công trình xây trước đó, qua kiểm tra hầu hết đều không có hoặc không đảm bảo. Thậm chí nhiều chủ đầu tư nâng tầng công trình lên nhưng không hề có các phương án chữa cháy cũng như hệ thống chữa cháy tự động theo đúng quy định. Với những công trình xây dựng mà xe thang không thể tiếp cận tới hoặc máy bơm của xe chữa cháy không đủ công suất để đẩy nước lên thì công tác chữa cháy hết sức khó khăn.
Khách sạn 4 sao cũng phòng cháy nghiệp dư
Lãnh đạo Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho hay, nguy cơ cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng tại Đà Nẵng là thực tế đáng báo động. Tuy nhiên, do ý thức của các chủ đầu tư cũng như đặc điểm, thời điểm ra đời của các công trình, việc xử lý, khắc phục các bất cập vẫn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, lực lượng PCCC đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực tập các phương án chữa cháy đồng thời kiểm tra, nhắc nhở, xử lý rất nhiều trường hợp không đảm bảo phương tiện, hệ thống, con người trong công tác phòng chống cháy nổ. Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ CA và Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra tại khách sạn M.T trên đường Ngô Quyền. Dù là hạng 4 sao nhưng lực lượng tại chỗ của khách sạn này lại mù mờ về hệ thống kỹ thuật PCCC nên trong quá trình tự kiểm tra, yêu cầu kỹ thuật không đảm bảo. Cơ quan chức năng còn phát hiện và xử phạt khách sạn này các lỗi như tập kết hàng hóa, vật tư chắn cả lối thoát nạn, chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện không đúng quy định.
Có một thực tế là rất nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng vào doanh thu trong kinh doanh, chưa nắm vững các quy định PCCC nên khi kiểm tra thì đụng đâu thiếu đó. Tại những công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động trước các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành, các điều kiện an toàn về PCCC như lối thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy đều thiếu và yếu. Một số khác, hệ thống chữa cháy được trang bị nhưng bố trí chưa hợp lý hoặc không có kinh phí để kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ.
Tại một số chung cư, ý thức và kiến thức về PCCC của người dân chưa cao nên việc chấp hành các quy định về PCCC chưa đầy đủ và triệt để. Cạnh đó, ban quản lý còn chủ quan, tránh né, chậm trễ thực hiện các kiến nghị, khắc phục các điều kiện đảm bảo về an toàn PCCC của cơ quan chuyên môn. Đại tá Nguyễn Phong cho hay, với sự phát triển của thành phố, công tác PCCC nói chung và tại các tòa nhà, các công trình cao tầng nói riêng đang là vấn đề hết sức bức thiết. Không chỉ những công trình xây dựng thiếu quy chuẩn về công tác PCCC mà ngay cả những công trình đảm bảo chất lượng cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. “Những vụ cháy xảy ra tại các chung cư, nhà cao tầng tại nhiều địa phương gây thiệt hại về người và tài sản là lời cảnh báo đối với nhiệm vụ PCCC.
Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH là hết sức cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay về nhận thức và hành động của các chủ đầu tư, cơ quan chức năng và mọi tầng lớp nhân dân”, Đại tá Phong nói. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, lãnh đạo Cảnh sát PCCC khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định, tái phạm các hành vi vi phạm về phòng chống cháy nổ.
Đông A (CADN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.