Không theo kịp sự đổi thay của xã hội, thiếu quy hoạch tổng thể nên tại TPHCM đã xuất hiện những “chung cư cấp 4”, gây bất tiện và thiếu tiện ích. Đó là lý do tại sao chỉ sau vài năm, nếu so với các chung cư thương mại, các chung cư tái định cư trở nên lỗi thời, bị người dân chê ỏng chê eo.

Bất tiện

Khu đô thị mới An Phú - An Khánh nằm ngay bên kia cầu Sài Gòn, cửa ngõ phía Đông vào trung tâm TP, đây là khu đô thị hiện đại, hàng loạt căn nhà phố, biệt thự và không dưới 40 lốc chung cư cao tầng đã và đang mọc lên. Thế nhưng, cơ quan quản lý lại cho xây dựng 5 cụm chung cư tái định cư cao 5 tầng với cầu thang bộ tại đây. Nếu so sánh với hàng loạt chung cư thương mại mọc lên 30-40 tầng kế bên thì cụm chung cư này lọt thỏm, không khác gì chung cư cấp 4.

Tại khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ (quận 7) cũng tương tự, trong tổng thể xung quanh là hàng loạt lô chung cư 30-40 tầng, quận lại xây chung cư tái định cư chỉ cao 5 tầng, thang bộ với 72 căn hộ. Quy mô lớn hơn phải kể đến chung cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2, chỉ có 2 lốc chung cư cao 11 tầng, còn lại có đến 12 lốc chung cư cũng chỉ cao 5 tầng không thang máy.

Hoành tráng nhất, mới nhất thuộc về cụm chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh. Với 45 lốc chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, đã được đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng người ở còn rất thưa thớt, chỉ khoảng 200 hộ được bố trí tái định cư. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, chủ đầu tư dự án cho biết, đó là vì cơ quan chức năng không cho xây cao, ảnh hưởng đến đường bay, còn chung cư dưới 6 tầng thì quy định không có thang máy.

Nhiều lốc chung cư khu tái định cư Vĩnh Lộc B chỉ cao 5 tầng.

Cuộc sống của người dân trong các chung cư này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở căn hộ tầng cao, đặc biệt là người già, bệnh tật, phụ nữ có thai. Một nhân viên thuộc Ban quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 cho biết, những hộ dân có nhiều đất, tiền bồi thường lớn mới được bố trí căn hộ tại tầng trệt của chung cư. Rất nhiều hộ dân làm đơn xin chuyển từ lầu 4 xuống tầng trệt vì lý do gia đình có người già yếu, bệnh tật. Tuy nhiên, nhu cầu này không giải quyết được vì số căn hộ tầng trệt có hạn, đây cũng là vấn đề gây bức xúc lớn nơi người dân.

“Mẹ tôi đã 82 tuổi, sau khi về tái định cư được 1 tháng bị té cầu thang gãy tay. Gia đình làm đơn để xin chuyển từ tầng 2 xuống tầng dưới nhưng xét tới xét lui không được nên cũng phải chịu”, ông Lê Hữu Tùng, Trưởng ban Quản trị chung cư kể. Có trường hợp một người mẹ lớn tuổi, là vợ liệt sĩ sống ở tầng 3 của lô A1 Chung cư Thạnh Mỹ Lợi bệnh tật liên miên, mỗi lần đưa đi bệnh viện, người nhà phải cõng từ lầu 3 xuống rất khổ sở. Trước tình cảnh này, ban quản trị chung cư bố trí cho cụ ở tại căn phòng khoảng 6m² trong nhà xe chung cư để người nhà tiện chăm sóc và đưa đi bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.

Vì sao?

Cách đây khá lâu, trong cuộc họp giữa lãnh đạo TP và Bộ Xây dựng, vấn đề chung cư 5 tầng đã mang ra mổ xẻ nảy lửa. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Xây dựng, chung cư 5 tầng giảm thiểu chi phí, giá thành thấp sẽ là mô hình cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội nói chung.

Theo một lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM, điều này thể hiện khá rõ trong Luật Nhà ở năm 2005. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội là tại đô thị loại đặc biệt phải là nhà 5 hoặc 6 tầng; tại các đô thị loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5 phải là nhà không quá 6 tầng. Sang đến Nghị định 71, năm 2010 hướng dẫn Luật Nhà ở có quy định thoáng hơn đối với nhà ở được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước thì không khống chế số tầng. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì tiêu chuẩn thiết kế nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết chung cư 5 tầng ra đời trong bối cảnh quy định nhà ở xã hội không quá 5 tầng, giá thành thấp, từ xuất phát này, TP xây nhà tái định cư theo kiểu như vậy. Tuy nhiên, quy định đó nhanh chóng lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hiệp hội từng có nhiều đề xuất bãi bỏ quy định bất hợp lý trên. Hiện nay tuy không chính thức nhưng cũng không còn khống chế tầng cao nữa.

Vậy khắc phục bằng cách nào? Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phải tùy theo kết cấu của tòa nhà, có thể lắp đặt thang máy ngay tại ô cầu thang bộ nếu đủ rộng; hoặc phải bố trí ở đầu hồi tòa nhà, nếu có hành lang thông ra. Ngoài việc khắc phục cầu thang bộ, đối với những khu dân cư quy mô rộng lớn như Vĩnh Lộc B, phải xây dựng đầy đủ các tiện ích, hệ thống giao thông kết nối như là một khu đô thị mới hoặc là TP vệ tinh, còn không sẽ rất khó thu hút người đến ở, mặc dù giá rẻ, chỉ 6 triệu đồng/m²!

Lương Thiện (Sài Gòn giải phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.