Gần đây, cư dân tại nhiều khu chung cư bức xúc trước tình trạng vì lợi nhuận, chủ đầu tư ngang nhiên biến tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ, văn phòng. Điều này gây nguy hiểm đến công năng của tòa nhà, trong khi chế tài xử phạt còn nhẹ và có dấu hiệu bao che công trình vi phạm.
Tầng áp mái toà nhà 165 Thái Hà được cơi nới thành văn phòng.
Biết trái luật vẫn làm rồi xin nộp phạt
Theo Giấy phép xây dựng số 92 (30/7/2008) được Sở Xây dựng Hà Nội cấp, dự án tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng, chung cư Sky City Tower (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) do Cty TNHH Hanotex làm chủ đầu tư 2 khối nhà: A, B cao 31 tầng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, công trình bỗng dưng mọc thêm 2 tầng penthouse (biến từ tầng kỹ thuật mái).
Chị Phạm Thu Lan (căn hộ A2905) cho biết: “5 năm sau khi tòa nhà đưa vào sử dụng, căn hộ gia đình tôi phải chịu đựng thường xuyên cảnh ngấm nước từ tầng penthouse phía trên”. Theo chị Lan, tình trạng ngấm nước cứ kéo dài từ năm này sang năm khác. “Nếu chủ đầu tư không sửa tận gốc, trả lại tầng kỹ thuật và áp mái như ban đầu, các hộ dân tầng dưới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề. Mỗi căn penthouse chủ đầu tư bán từ năm 2010 thu lợi khoảng 1 triệu USD/căn, không dễ gì trả lại cho cư dân”, chị Lan bức xúc.
Còn tại Tổ hợp dự án Sông Hồng Park View (165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) do Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng làm chủ đầu tư, doanh nghiệp đang vô tư biến tầng áp mái thành văn phòng cho công ty dù từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt hành chính vì việc xây dựng trái phép này. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Huyền Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng thừa nhận: “Chúng tôi biết sai và đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng xin được phạt cho tồn tại. Bao nhiêu chúng tôi đều chấp hành nộp, chứ phá đi rất phí”.
Tình trạng cơi nới tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ diễn ra phổ biến tại nhiều nơi như: Dự án Goldenland (275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) do Cty CP thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư; chung cư BMM (Phúc La, Hà Đông); chung cư Phúc Hà (Nam Xa La, Hà Đông)...
Ai bao che công trình vi phạm?
Tại văn bản số 7988 (1/9/2015) của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội do ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ký ghi rõ: Các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động xây dựng tại Tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng số 88 Láng Hạ của chủ đầu tư phải bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Tuy nhiên, theo lý giải của Sở Xây dựng, do các hành vi đã xảy ra vào năm 2010 chưa được phát hiện, lập hồ sơ xử lý; đồng thời công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2010, đã hết thời hiệu xử phạt nên đoàn kiểm tra không lập biên bản xử phạt.
Đáng ngạc nhiên, dù Đoàn thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đi kiểm tra tầng áp mái của tòa nhà nhưng trong văn bản này, tại mục kiểm tra thực tế hiện trạng, Sở Xây dựng Hà Nội nêu: “Tòa B: Tại tầng kỹ thuật mái có ngăn chia thành buồng phòng (4 buồng) và có bố trí thang máy đi lên tầng kỹ thuật mái. Do khóa cửa các buồng nên Đoàn kiểm tra không đo được kích thước từng buồng”.
Việc kiểm tra của cơ quan chức năng khiến cư dân bức xúc. Một cư dân tòa nhà chia sẻ: “Nhà người dân đua một mái hiên ra ngay lập tức thanh tra xuống xử phạt. Vậy không có lý do gì một công trình cao tầng cao như vậy mà thanh tra quận, UBND phường lại không hề hay biết để xử phạt. Đoàn thanh tra xuống kiểm tra chỉ kiểm tra bề ngoài rồi báo cáo thành phố là thiếu trách nhiệm”.
Trong khi đó, dù có bị thanh tra phát hiện đúng thời điểm và xử phạt nhưng mức xử phạt thực tế cũng rất nhẹ. Sai phạm tại dự án 165 Thái Hà chỉ bị phạt 50 triệu đồng về vi phạm hành chính. Một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Chế tài xử phạt hành chính nhẹ nên chủ đầu tư không sợ. Việc xử phạt cho tồn tại theo Nghị định 121 (2013) đến nay vẫn chưa thực hiện được tại dự án nào, bởi phải căn cứ chủ đầu tư thu lợi bao nhiêu để thu”, vị này nói.
Theo Điều 49 của Nghị định 71/CP quy định rõ, tầng mái là phần sở hữu chung của tòa nhà (bao gồm sàn sân thượng, hệ thống mái che, hệ thống chống nóng, hệ thống các thiết bị phục vụ tòa nhà và không gian phía trên), không tổ chức, cá nhân nào được chiếm dụng, cơi nới để sử dụng riêng.
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, nói: “Việc cơi nới tầng áp mái sẽ khiến cho hệ thống chịu lực của ngôi nhà bị mất đi. Điều này sẽ ảnh hưởng và khiến cho căn hộ, tòa nhà có khả năng bị biến dạng. Đồng thời, việc cơi nới sẽ rất khó khăn cho lực lượng cứu hộ tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn. Nguyên nhân chính là do quản lý nhà chung cư yếu kém và chính quyền bỏ mặc nên chủ đầu tư vì lợi nhuận biết sai vẫn làm”.
Ngọc Mai (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.