Theo ghi nhận của PV báo điện tử Infonet, phần lớn các căn hộ bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM đều được sang nhượng lại, chủ cũ dọn đi nơi khác sinh sống. Còn những hộ dân ở lại, vẫn chưa an cư khi phải sống chung với nạn trộm cắp, mất an ninh và ô nhiễm môi trường.

Cầu thang nhếch nhác, ít người qua lại, người dân tại chung cư tái định cư Tân Mỹ, quận 7 sống chung với ô nhiễm

Tái định cư vẫn phải ở nhà mướn

Tại chung cư tái định cư Tân Mỹ, quận 7, hiện có tổng cộng 349 hộ dân đang sinh sống, nhưng chỉ có khoảng 100 hộ thuộc diện tái định cư, còn lại là những hộ sang nhượng lại nhà của người dân được bố trí tái định cư.

Nguyên nhân khiến người dân tái định cư bán nhà để đi nơi khác sinh sống, theo ông Hồ Minh Quang, Trưởng Ban quản trị chung cư Tân Mỹ là: “Nhà tái định cư thì chỉ có 36m2/căn hộ. Trong khi đó mỗi hộ gia đình ở rạch Ụ Cây (dự án bị thu hồi đất – PV) lên đây sống có gần 20 người thì làm sao đủ chỗ ở mà không bán đi nơi khác”.

Tính đến tháng 7/2012, chung cư Thạnh Mỹ Lợi đã bàn giao 954 căn trong tổng số 1.040 căn, với 850 hộ và 3.360 nhân khẩu. Tuy nhiên ông Trần Vĩnh Tú, Phó Ban quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi cho biết, hiện tại ước tính chỉ có khoảng 30% số hộ dân đang sinh sống tại đây thuộc diện tái định cư. Số hộ còn lại đã sang nhượng hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống.

Theo ông Tú, nguyên nhân là do trước đây các hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông hoặc lao động tự do, chuyển tới nơi ở mới cũng đồng nghĩa với các công việc này không còn nữa. Để tiếp tục cuộc sống, một số hộ buộc phải sang nhượng hoặc rao bán căn hộ được giao. Số tiền thu lại sẽ mua một căn hộ khác nhỏ hơn để hưởng số tiền chênh lệch. Thậm chí có người chấp nhận đi thuê nhà trọ, dành vốn buôn bán, làm ăn.

Thực tế sang nhượng lại các căn hộ tái định cư cũng diễn ra tương tự tại các chung cư tái định cư Chu Văn An, quận Bình Thạnh, chung cư An Phú – An Lộc, quận 2… Một nguyên nhân khác khiến nhiều người dân được bố trí tái định cư không mặn mà với nơi ở mới là bởi cuộc sống tại chung cư có quá nhiều khác biệt với thói quen, tập quán sinh hoạt cũ.

Ông Huỳnh Công Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, quận 2 cho biết: “Người dân ở phường An Lợi Đông, quận 2 đã có tập quán, thói quen sống lâu năm, đi lại ở vùng sông nước nên khi được bố trí tái định cư lên chung cư ở thì họ lại không quen, thấy tù túng”.

Được biết, phường An Lợi Đông sau khi thu hồi đất đã bố trí tái định cư cho người dân tại chung cư tái định cưu An Phú, quận 2.

Chị Như, căn hộ tái định cư ở lô B6, chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũng cho biết: “Khó lắm em à, ở dưới đất quen rồi, giờ lên chung cư ở thấy hụt hẫng, không quen. Mình thì còn tập thích nghi được, chỉ tội cho mấy người lớn tuổi, đi lại đã khó khăn lại chật chội rồi phải leo cầu thang bộ, bất tiện”.

Sau khi được bố trí tái định cư, cả nhà chị Như cũng chỉ ở đủ hai vợ chồng, đứa con gái và nuôi một mẹ già. Còn các anh chị em thì phải tỏa đi các nơi thuê mướn nhà ở vì cả đại gia đình hơn chục người mà chỉ có một căn hộ tái định cư hai phòng thì không đủ ở.

Chưa thể an cư

Người đi nơi khác đã bấp bênh khi không có nhà ở, phải thuê mướn, chạy tiền trọ hàng tháng, còn người được ở lại chung cư tái định cư cũng chưa thể gọi là an cư để lạc nghiệp bởi tình trạng trộm cắp, mất trật tự an ninh thường xuyên xảy ra nơi họ đang sống.

Ông Quang ngán ngẫm nhìn hộp phòng cháy chữa cháy liên tiếp bị mất cắp ống dây dẫn nước

Chỉ trong ba năm đi vào sử dụng, Ban quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi đã rất đau đầu khi phải giải quyết nhiều vụ việc để đảm bảo an ninh trật tự cho chung cư. Có lúc đã phải phối hợp với cảnh sát khu vực để hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ gia đình do một số hộ gây ra tiếng ồn trong giờ nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Nạn trộm cắp xe máy, gây rối trật tự, sử dụng ma túy ngay tại chung cư cũng không phải là chuyện lạ. Thậm chí, trong ba năm cũng đã xảy ra một trường hợp giết người và một trường hợp tự tử, gây xáo trộn cuộc sống của người dân tại chung cư.

“Ban quản trị phải phối hợp với công an phường để giải quyết các đối tượng gây rối trật tự an ninh và đưa một số đối tượng vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc”, ông Tú cho biết.

Nói đến ý thức của người dân tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, ông Quang lắc đầu: “Ở đây ý thức sống tập thể của người dân kém lắm! Tình trạng nhậu nhẹt đêm khuya rồi tiểu tiện, nôn mửa xuống tầng dưới, tại hành lang, cầu thang hay ngay cả trong thang máy là chuyện thường xuyên. Ban quản trị phải thuê người dọn dẹp nhưng làm không xuể. Ngay cả cái thang máy này, trong năm nay, Công ty Dịch vụ công ích quận 8 đã phải tốn gần 200 triệu đồng để sửa chữa, thay mới các linh kiện do người dân sử dụng không có ý thức giữ gìn. Họ vào quá tải khiến thang máy không chạy được thì họ lại dùng chân đạp phá, gây hư hỏng”.

Thời gian đầu, tình trạng đánh nhau, mất trộm cũng thường xảy ra. “Công an phường kế bên nên tình hình an ninh tương đối ổn định lại rồi. Còn cái hộp phòng cháy chữa cháy này, cô nhìn xem, đâu có ống dây dẫn nước. Lỡ mà hỏa hoạn xảy ra thì nguy hiểm lắm. Nhưng cứ lắp ống dây mới vào là bị mất cắp. Ban quản trị đành phải gửi nhờ ống dây ở một số hộ thường xuyên có người ở nhà để trông coi”, ông Quang than vãn.

Dân vô tư xả rác, thiếu ý thức giữ vệ sinh chung

Không chỉ luôn sống trong lo sợ và cảnh giác với tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo, nhiều người dân còn cho rằng, tái định cư là đồng nghĩa với chịu thiệt. Trường hợp của bà Trần Ngọc Yến, nhà số 104, lô B5, chung cư Thạnh Mỹ Lợi là một ví dụ. Trước tái định cư, bà Yến ở phường Bình An, quận 2.

“Ở phường Bình An tốt lắm. Giờ mà cho tôi về đó ở, dựng cái lều ở tạm thôi tôi cũng chịu. Hồi ở đó, tôi thuộc diện xóa đói giảm nghèo, được đóng bảo hiểm y tế đàng hoàng. Vậy mà lên đây lại không được. Hỏi bên phường Bình An thì họ nói có giới thiệu trường hợp của tôi xuống phường Thạnh Mỹ Lợi rồi. Vậy mà đến nay tôi vẫn chưa được giải quyết chế độ nào cả”.

Một người dân tái định cư giấu tên ngán ngẫm cho biết: “Chung cư Thạnh Mỹ Lợi nằm ngay đường Tỉnh lộ 25B, xe container chạy hàng hàng. Trên tỉnh lộ này đoạn gần chung cư lại không có trạm xe buýt. Đi xe buýt là phải đi bộ một quãng rất xa mới tới trạm. Chưa kể bất tiện cho người già và học sinh, đi bộ bên làn xe tải, xe container như vậy cũng rất nguy hiểm. Lần nào họp Ban quản trị, dân cũng nói, mà nói rồi thì thôi, 3 năm nay cũng không ai xét xây cho cái trạm xe buýt. Có sao thì chịu vậy chứ giờ chúng tôi cũng không còn biết kêu với ai!”.

Theo Duy Nguyên - Nguyễn Cường (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.