Ở Hà Nội, không chỉ có những biệt thự cổ trong lòng phố xá đông đúc đang rình rập hiểm nguy mà những ngôi nhà cổ, biệt thự cổ ven đô cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng do thiếu quy hoạch đồng bộ, người dân tự sửa chữa, chắp vá sai lệch với thiết kế.

Nhiều ngôi biệt thự cổ trong các làng ngoại thành Hà Nội đã biến dạng, xuống cấp theo thời gian.

Nơm nớp trong ngôi nhà của mình

Nhiều năm nay, các hộ dân ở làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải đối mặt với tử thần ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Ông Lê Văn Cảnh, người dân trong làng cho biết: Ngôi nhà cổ của gia đình ông có tuổi thọ gần 100 năm nên đã quá xập xệ. Phần chân móng hiện đã không còn vững. Mỗi khi mưa lớn gạch trong móng nhà lại bở ra, màu đỏ của gạch hòa với nước mưa lênh láng khắp nhà.

Cách nhà ông Cảnh ít bước chân là nhà bà Hoa, có 6 nhân khẩu, hàng ngày sống chung trong ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà đã bong toàn bộ lớp vữa trát nên chức năng chống nóng, chống nước thấm không còn. Trưa hè căn nhà không khác gì lò thiêu, ngày mưa bão thì nước từ bên ngoài thấm qua tường ướt lênh láng, dột từ trần nhà thấm vào.

“Người khác nhìn vào cứ nghĩ chúng tôi sướng khi được sống trong nhà cổ nhưng thực sự thì không như họ nghĩ”- bà Hoa nói.

Hiện tại ở làng Đông Ngạc chỉ còn khoảng 60 ngôi nhà, biệt thự cổ trên 100 tuổi. Số lượng nhà cổ, biệt thự cổ tại đây đang sụt dần theo thời gian do xuống cấp, tu sửa, chắp vá. Mỗi lần sửa chữa như vậy giá trị của các ngôi nhà cổ mất dần đi theo thời gian.

Ông Lê Văn Tôn-Trưởng Tiểu ban quản lý di tích phường Đông Ngạc trăn trở, nếu không tiến hành gia cố, tu bổ lại thì nguy cơ sập nhà luôn đe dọa. Nếu để người dân tự tu sửa sẽ không theo thiết kế ban đầu.

Tới nay, chương trình bảo tồn làng Khoa bảng Đông Ngạc (2012 - 2020) đã đi được hơn một phần ba quãng đường, bước đầu đạt được thành công nhất định nhưng vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết được.

Chúng tôi cũng đã tìm đến ngôi làng được mệnh danh là “Đệ nhị biệt thự cổ thời Pháp”- làng Cựu (Vân Từ, Phú Xuyên). Trước đây, ngôi làng nhiều biệt thự cổ đến mức được du khách gần xa đặt cho biệt danh làng “Tây”. Thế nhưng, hiện làng chỉ còn không quá 20 ngôi biệt thự cổ còn nguyên vẹn, những ngôi khác do quá trình chỉnh trang, tu bổ nên gần như đã xóa hết hoa văn ban đầu.

Ông Hùng, một người dân của làng phàn nàn: Bên cạnh những ngôi nhà cổ san sát là ngôi nhà lớn nhiều tầng cùng với kiến trúc nhái tây khiến cho móng nhà cổ bị nghiêng về một bên.

Theo ông Nguyễn Quang Huy- cựu trưởng thôn thì biệt thự cổ xuống cấp nhiều nhưng nếu không cho dân sửa thì rất lo chuyện sụp đổ. Để từng nhà tự tu bổ thì sẽ làm biến dạng, mất giá trị nguyên bản. Do đó, theo ông Hùng, về việc này rất cần sự vào cuộc của chính quyền, kết hợp với người dân và mời chuyên gia về khảo sát để đưa ra phương pháp tu bổ…

Học hỏi để tránh vết xe đổ

Ông Lê Văn Tôn-Trưởng Tiểu ban quản lý di tích phường Đông Ngạc thừa nhận: Hiện tại giá trị nhà cổ ở Đông Ngạc không còn nguyên vẹn, rất nhiều ngôi nhà đã khoác lên “chiếc áo” của phong cách kiến trúc mới. Những ngôi nhà cổ còn lại thì cũng không còn nguyên vẹn như ban đầu. Vì thế, cần học hỏi và rút kinh nghiệm từ làng cổ Đường Lâm.

Đó cũng là cách để tránh “vết xe đổ” mà làng cổ Đường Lâm vấp phải những năm trước. Với các ngôi biệt thự cổ còn lại tại Đông Ngạc, cơ quan chức năng đã thống nhất chọn cách bảo tồn giữ nguyên hiện trạng, hạn chế tu sửa.

TS. KTS Phạm Việt Anh (chuyên gia về bảo tồn không gian đô thị cổ, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Việc bảo tồn các ngôi nhà/ biệt thự cổ ở làng quê ven Hà Nội không thể chậm trễ hơn nữa. Trước mắt chính quyền có thể lập ban quản lý, chuyên gia để đánh giá lại hiện trạng những ngôi nhà cổ tại làng Đông Ngạc và làng Cựu.

Với những ngôi nhà cổ không thể bảo tồn, tôn tạo thì cần giải quyết cho người dân được xây mới. Với những ngôi nhà có thể tôn tạo nên tiến hành tôn tạo. Quá trình quy hoạch, tu bổ cần được tiến hành đồng bộ, theo sự giám sát của các chuyên gia, kiến trức sư, nhà bảo tồn học…

Cảnh quan làng quê, không gian kiến trúc các công trình cổ ở làng quê Việt đang ngày một thay đổi, biến dạng. Nếu chính quyền không có biện pháp kịp thời để quy hoạch, trùng tu những gia sản quý báu này thì nguy cơ biến mất sẽ trong ngày một ngày hai.

Với hệ thống nhà cổ, biệt thự cổ không còn nhiều lại đang xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, rõ ràng cần có một hệ thống quy hoạch tổng thể.

Theo KTS Phạm Việt Anh, tại một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Ba Lan, họ quy hoạch, tu bổ rất đồng bộ từ A đến Z, theo những giai đoạn nhất định dưới sự giám sát của chuyên gia hàng đầu. Để tiến hành quy hoạch, tu bổ, nhà chức trách tiến hành di dân đến một khu tái định cư khoảng 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, họ điều máy móc, chuyên gia vào tiến hành quy hoạch, tu bổ toàn bộ khu phố theo một thiết kế thống nhất. Sau khi tu bổ xong, dân được chuyển về ở trở lại trên chính khu phố cổ này. Tất nhiên, nhà nước phải chịu hoàn toàn chi phí.


Tổng kiểm tra, rà soát biệt thự cũ tại Hà Nội

HĐND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu UBND TP khẩn trương tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định chất lượng công trình biệt thự cũ, chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

Thường trực HĐND TP. Hà Nội yêu cầu UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng đô thị và có kế hoạch kiểm tra, rà soát, kiểm định chất lượng công trình đối với các khu chung cư cũ, biệt thự cũ, công trình xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố đã xuống cấp. Trong kiểm tra, rà soát, kiểm định cần quan tâm đặc biệt đối với các biệt thự, công trình thuộc nhóm 3 có nguy cơ sập đổ để có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời.

Phúc Anh

Lê Tùng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.