Nhiều chuyên gia đầu đầu ngành quả quyết cầu Long Biên phải được bảo tồn nguyên trạng, song cũng có nhiều ý kiến thì hoàn toàn ngược lại.

PGS.KTS. Trần Hùng cho rằng: "Cơ quan hoạch định chính sách cần có cái nhìn dài hơi hơn với cầu Long Biên". (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Buổi tọa đàm bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị chiều 25/2 hội tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng cầu đường…

Các chuyên gia đầu ngành đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình. Buổi tọa đàm do trường Đại học Phương Đông tổ chức càng gây nhiều chú ý hơn khi ý kiến, quan điểm, cách nhìn về bảo tồn cầu Long Biên của chính các chuyên gia lại “đá” nhau.

Là người mở màn đầu tiên tại diễn đàn, PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục cho rằng cả 3 phương án Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra đều “không có tư tưởng sáng tạo”, và có thể gây “bức tử” đối với cầu Long Biên. Vì cả 3 phương án này đều “đè” lên cây cầu lịch sử có tuổi đời hơn một trăm năm.

KTS. Nguyễn Hồng Thục cũng tỏ ra ngán ngẩm và khó hiểu vì sao lại phải xây dựng những tuyến đường sắt trên cao “khủng khiếp” như thế. Giải pháp này không chỉ gây tốn diện tích đất, mà còn gây nguy hiểm cho người dân.

Còn theo PGS.KTS. Trần Hùng, trải qua bao thế hệ, cầu Long Biên đã tạo nên một nền văn minh cũng như đóng góp cho một giai đoạn về phát triển đô thị. Đặt ra câu hỏi: cầu Long Biên có vị trí như thế nào đối với thủ đô Hà Nội? KTS. Trần Hùng cho rằng “cơ quan hoạch định chính sách cần có cái nhìn dài hơi hơn”.

Theo ông Hùng, hệ thống đường sắt nên đi trên trời, hoặc đi dưới lòng đất. Mặt khác đã là hệ thống đường sắt thì phải đi bao quanh chứ không thể cắt vào đô thị. Điều này là hết sức vô lý. Cho rằng Bộ GTVT “hơi khôn” khi lựa chọn vị trí xây dựng cầu đường sắt, ông Hùng đề nghị cần nghiên cứu kỹ càng hơn và liệu có nên lấy vị trí của cầu Long Biên để xây dựng tuyến đường sắt mới.

PGS.TS.KTS. Tôn Đại cho biết, vào thời điểm xây dựng, cầu Long Biên là cây cầu dài nhất, đẹp nhất thế giới. Về hình thức cầu uốn lượn như biểu đồ, có ý nghĩa quan trọng với khẩu hiệu “hình thức đi theo công năng”.

So sánh cầu Long Biên xứng tầm với Tháp Eiffel, theo KTS. Đại thì cầu Long Biên có tác dụng tuyệt vời về du lịch và giao thông đường bộ với chiều dài 2km.

“Cầu này có giá trị hơn tất cả các cây cầu khác được làm sau này. Hà Nội nếu thiếu cầu Long Biên thì đâu còn là Hà Nội” – KTS. Tôn Đại khẳng định.

Có cùng quan điểm, GS.KTS. Hoàng Đạo Kính cũng tỏ ra “rất buồn” và ngạc nhiên trước sự “ngây ngô” của những người làm chính sách. Ông cho rằng chúng ta phải bênh vực, bảo vệ những cái gì sát sườn, gần gũi với chúng ta.

“Cầu Long Biên còn mạnh mẽ hơn cầu Tràng Tiền. Cầu Long Biên tuy cũ kỹ, nhếch nhác, có vẻ chịu đựng nhưng lại rất thân phận và thân thương như phố cổ Hà Nội. Hà Nội và Bộ GTVT cần đầu tư trí tuệ, xây dựng kịch bản trùng tu để cầu Long Biên trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi, mua bán hàng, hay yêu nhau rồi kết hôn ở đó. Đừng vội đưa cầu Long Biên lên bàn cân để mà tính toán” – GS. Kính chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trước nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, cần phải có giải pháp để vừa tiết kiệm chi phí, lại hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển. Theo ông, 3 vấn đề cần phải đưa ra mổ xẻ, phân tích là: Cầu Long Biên có cần bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì? Bảo tồn bằng cách nào?

Ông Nghiêm cũng nói thêm rằng, không phải cái gì chúng ta cũng nghe theo các tổ chức, chuyên gia nước ngoài. Bởi có những cái họ tư vấn đúng, nhưng có những cái họ đưa ra rất dở và sẽ rất sai lầm nếu làm theo.

Ngược lại với các ý kiến trước đó, Kiến trúc sư quy hoạch đô thị Nguyễn Nga lại cho rằng “không nên đưa cầu Long Biên vào di sản”. Điều quan trọng là phải biến cây cầu này thành một điểm đến du lịch lý tưởng, phù hợp với cảnh quan đô thị Hà Nội. Tuy nhiên khi ý kiến này nêu ra đã nhận được sự phản ứng mạnh mẽ của GS.TS.KTS. Nguyễn Việt Châu, vì ông cho đây là cách nghĩ của một người doanh nhân chứ không phải người làm di sản.

Cũng tại buổi tọa đàm, chuyên viên cao cấp thuộc Bộ GTVT Phan Xuân Đại đã đưa ra những thông số kỹ thuật để phản ánh về thực trạng cầu Long Biên hiện nay. Ông Đại cho biết, vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, cầu Long Biên đã phải hứng chịu nhiều trận bom đạn khốc liệt dội xuống. 2/3 phần nhịp giữa sông đã bị xẹp hoàn toàn, đến năm 1975 ngành đường sắt đã phải cho cắt bỏ. Bên cạnh đó các nhịp dầm cũ luôn được kiểm tra, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Nếu làm đường sắt thì không thể dùng mố trụ cầu, móng cầu cũ và dầm thép cũ được.

Quan điểm của ông Đại là di dời một đoạn dầm thép tốt của cầu Long Biên ra bãi giữa để làm bảo tàng lịch sử. Đồng thời sẽ xây dựng cầu Long Biên mới, xây dựng đường sắt nội đô ngay tại vị trí cầu hiện nay.

Nguyễn Dũng (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.