Những quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được xem là "luồng gió mới" đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường BĐS vốn đã "đóng băng" từ năm 2008 và có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2014.

Dự án Usilk City (Hà Đông) từng được ngân hàng đứng ra điều tiết dòng tiền.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Văn Phấn nhận định, những quy định mới liên quan đến thị trường BĐS, như các DN phải ký quỹ mới được giao đất, cho thuê đất và cho chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án BĐS... là những cơ sở, nền tảng để tạo dựng hành lang, môi trường hoạt động BĐS minh bạch, an toàn.

Theo quy định mới, chủ đầu tư chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai khi đã có bảo lãnh của tổ chức tài chính, ngân hàng về việc sẽ thực hiện thay nghĩa vụ, trả lại tiền cho khách nếu xảy ra biến cố. Quy định này buộc chủ đầu tư phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định tham gia thị trường và trong quá trình thực hiện dự án cũng phải có trách nhiệm hơn để giảm thiểu rủi ro, từ đó bảo đảm quyền lợi của khách hàng, nhất là những người mua nhà phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ của DN, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Ngọc Thành nhận định, nhìn tổng thể, thì việc phải có bảo lãnh của ngân hàng, chủ đầu tư có vẻ như là người hưởng lợi, được phép bán sản phẩm hình thành trong tương lai, có thêm được khoản vốn để phát triển dự án. Đó là chưa kể nhiều DN vẫn chưa tìm được "tiếng nói" của ngân hàng cũng như những băn khoăn về việc ngân hàng có thật sự sẽ tham gia bảo lãnh, chấp nhận rủi ro hay chỉ nhân cơ hội này để tăng lợi nhuận, khách hàng? Quy trình thực hiện, trách nhiệm ràng buộc của các bên ra sao?...

Lý giải điều này, GS Đặng Hùng Võ cho biết, bảo lãnh sẽ giúp khắc phục, quản lý rủi ro, bởi giờ giữa người mua nhà, chủ đầu tư có thêm một tổ chức tài chính ở đây là ngân hàng đứng giữa cùng nhau cam kết trách nhiệm. Ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ nhận tiền đóng góp trước của người mua nhà, đảm bảo khoản tài chính đó được sử dụng đúng mục đích. Chủ đầu tư thực hiện dự án đến đâu, ngân hàng sẽ vừa kiểm tra tiến độ triển khai thực tế, giấy tờ pháp lý, hạ tầng… vừa giải ngân đến đó. "Bảo lãnh chứ không phải bảo hiểm. Ngân hàng đứng ra điều tiết được nhịp độ trong mối quan hệ người mua nhà với chủ đầu tư. Chứ không phải dự án sụp đổ, ngân hàng phải chịu trách nhiệm tất cả" - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Từ nay đến thời điểm Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực vẫn còn gần nửa năm và cũng phải mất thêm một khoảng thời gian nhất định để thị trường ngấm những tác động của các quy định trên. Vì thế rất khó để đưa ra nhận định chính xác về diễn biến của thị trường BĐS trong thời gian tới. Nhưng có một điều chắc chắn, các quy định này sẽ tạo cơ sở để thị trường thanh lọc DN, chỉ có những chủ đầu tư có uy tín, năng lực phát triển hoàn thiện dự án mới tồn tại được. Và trong cuộc chơi khốc liệt này, khách hàng chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

Nguyên Hà (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.