CafeLand - Ngày 30/9, theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình.

Tuy nhiên, ngoài việc cập nhật lại một số thông tin liên quan đến dự án này, báo cáo này chưa giải trình được những bức xúc của công luận và người dân trong thời gian qua.

Tất cả đều...hợp lệ!

Theo báo cáo này, khu đất xây dựng công trình tại địa chỉ số 8B phố Lê Trực không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2013.

Diện tích Khu đất là 5.936,4 m2, có nguồn gốc là đất sản xuất do Công ty May Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968. Hiện nay, Công ty cổ phần May Lê Trực là đơn vị đang quản lý, sử dụng khu đất này, trong đó diện tích được chuyển mục đích xây dựng công trình là 3.785m2, diện tích đất còn lại Thành phố thu hồi để xây dựng đường giao thông.

Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện trạng ô đất, UBND Thành phố đã có Văn bản số 4335/UBND-NNĐC ngày 09/8/2007 chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê.

Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận cho Công ty cổ phần May Lê Trực lập dự án chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê từ năm 2007. Đến ngày 14/11/2013 UBND Thành phố đã cấp Giấy CNĐT số 01121001662 cho Nhà đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực, thực hiện dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê, theo quy định của Luật Đầu tư 2005.

Căn cứ Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 7415/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng 3.758 m2 đất tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê theo đúng quy hoạch xây dựng đã được duyệt và quy định của pháp luật.

Về kiến trúc quy hoạch, UBND Thành phố phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008, trong đó ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng là Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; mật độ xây dựng 64%; cao 4-17 tầng.

Sai là do... chủ đầu tư

Báo cáo của UBND TP Hà Nội khẳng định rằng toàn bộ quy trình cấp phép là đúng quy trình và quy định của pháp luật, tuy nhiên dự án đã có những sai phạm nhất định và trách nhiệm chính là... chủ đầu tư!

Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra thực tế tại công trình, Chủ đầu tư đã triển khai xây dựng xong phần thô công trình cao tầng; công trình thấp tầng chưa triển khai xây dựng.

Phần công trình cao tầng hiện đã xây dựng sai với Giấy phép xây dựng được cấp, cụ thể là về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song Chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái); phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng Chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Về chiều cao công trình: theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện Chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Về diện tích sàn: Xây dựng khoảng 36.000 m2 (GPXD là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

“Những vi phạm xây dựng của Chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực”, báo cáo viết.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, trong quá trình dự án được triển khai, các cơ quan chức năng của Hà Nội, đặc biệt là Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình, đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hiện trường xây dựng và cũng đã có tới 27 lần ra các văn bản xử lý!!!

“Trong quá trình xây dựng, Chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm về trật tự xây dựng: Xây dựng phần ngầm khi chưa được cấp phép; sau khi có Giấy phép xây dựng tiếp tục xảy ra các sai phạm về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay” báo cáo viết.

Vì sao không có tên Kinh Đô TCI?

Trong hai tuần qua, công luận luôn đặt dấu hỏi về vai trò của Công ty Kinh Đô TCI, chủ đầu tư của dự án này. Tuy nhiên, khó hiểu là trong báo cáo của UBND TP Hà Nội, tuyệt nhiên không hề đề cập đến vai trò của công ty này. Thay vào đó, chủ đầu tư chính thức được nêu tên là Công ty cổ phần may Lê Trực.

Tuy nhiên, ít nhiều báo cáo cũng đã cho thấy vai trò của Công ty Kinh Đô TCI, đặc biệt là vai trò của cá nhân ông Trần Đức Minh, Chủ tịch công ty Kinh Đô TCI, trong dự án này. Đáng chú ý là, ông Minh cũng là chủ tịch của... Công ty cổ phần may Lê Trực, gián tiếp cho thấy đã có một quá trình đổi chủ mà lẽ ra, UBND TP Hà Nội cần báo cáo nghiêm túc với Chính phủ.

Cụ thể, theo báo cáo, ngày 31/3/2013, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2516/VPCP-KTN (kèm đơn của ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Lê Trực) chuyển đơn của ông Trần Đức Minh đến UBND Thành phố để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc triển khai dự án.

Ông Minh cũng là người có tên trong... Biên bản làm việc ngày 28/5/2014 giữa Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên và chủ đầu tư. Tại cuộc làm việc này, các bên đã “ghi nhận các nội dung vi phạm đối với công trình đang thi công xây dựng”.

Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình đã lập Biên bản vi phạm hành chính và bàn giao biên bản đối với các bên, yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ nghiêm túc công trình xây dựng.

Hiện tại, báo cáo của UBND TP Hà Nội đang được Chính phủ xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng đối với dự án này. Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ “xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng”.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng dự án 8B Lê Trực đang tự nó phơi bày nhiều góc khuất trong công tác quản lý xây dựng và kiến trúc ngay tại Thủ đô Hà Nội hiện nay.

  • Vụ cao ốc 8B Lê Trực: Hà Nội sẽ ‘cắt ngọn’ phần xây lố

    Vụ cao ốc 8B Lê Trực: Hà Nội sẽ ‘cắt ngọn’ phần xây lố

    Hà Nội sẽ thanh tra truy rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể buông lỏng quản lý để tòa nhà xây lố hơn giấy phép 16 m.

  • Ai 'phù phép' cao ốc gần Quảng trường Ba Đình từ 5 lên 18 tầng?

    Ai 'phù phép' cao ốc gần Quảng trường Ba Đình từ 5 lên 18 tầng?

    Đại diện cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cho biết, những nội dung liên quan đến dự án số 8B Lê Trực sẽ được thông tin chính thức tới báo chí sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, điều mà dư luận cần làm rõ là căn cứ nào để cấp phép 18 tầng cho dự án cao ốc này gần Quảng trường Ba Đình?

  • Đại gia xây nhà “át lăng Bác” là ai?

    Đại gia xây nhà “át lăng Bác” là ai?

    CafeLand - Dư luận Hà Nội đang xôn xao với việc dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được xem là có chiều cao bất thường, thậm chí "át lăng Bác" với khoảng cách khá gần.

Hoàng Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.