CafeLand – Ban quản trị chung cư có vai trò và đóng góp rất lớn trong việc quản lý và vận hành tại các chung cư, họ là những người ưu tú được cư dân tin tưởng bầu lên trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có số ít người vì tư lợi hoặc nhóm lợi ích mà cố giành lấy những vị trí trong thành phần ban quản trị.

Nhiều vụ tranh chấp tại chung cư có liên quan đến ban quản trị.

Theo quy định, ban quản trị chung cư là những người được đa số cư dân trong một tòa nhà chung cư bầu lên trong hội nghị nhà chung cư, họ nắm vai trò quản lý và vận hành tòa nhà chung cư. Trong đó, có việc nắm giữ và thu chi khoản phí bảo trì 2% và các lệ phí khác trong chung cư. Tuy nhiên, đã có rất nhiều vụ tranh chấp tại các chung cư liên quan đến ban quản trị do cách làm việc không hiệu quả, không có năng lực, thậm chí là sử dụng quyền hạn và thu chí các khoản phí thiếu minh bạch.

Điển hình nhất có thể kể đến những mâu thuẫn kéo dài nhiều năm tại chung cư Bàu Cát II (quận Tân Bình) liên quan đến việc ban quản trị thu chi không minh bạch các khoản phí tại chung cư. Theo phản ánh của cư dân sinh sống tại lô A chung cư Bàu Cát 2, ban quản trị đã không công khai minh bạch thu chi liên quan đến khoản phí bảo trì của chung cư, đó là tiền của cư dân đóng góp nhưng thu chi như thế nào thì cư dân không thể nắm vì không có kê khai, không có báo cáo nào từ ban quản trị. Thậm chí, ban quản trị tự ý đề xuất mức lương, thay đổi bảo vệ chung cư, xây dựng nhà xe thông minh với chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng lại không thông qua ý kiến của cư dân, không tổ chức đấu thầu. Quá bức xúc với cách làm việc của ban quản trị, cư dân nơi đây đã gửi đơn tố cáo lên các cấp và cả Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Cư dân tại chung cư An Bình (Bình Dương) cũng khốn đốn vì sau khi thu giữ hàng chục triệu đồng của cư dân thì vị trưởng ban quản trị bỗng dưng biến mất. Cư dân đã tố cáo vụ việc lên công an, cư dân lo lắng vì nếu chung cư có hư hỏng thì không biết lấy tiền đâu ra để sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, tại nhiều chung cư quyền lực của ban quản trị là rất lớn, thậm chí nhiều ban quản trị còn liên kết để lật đổ, đẩy chủ đầu tư ra khỏi chung cư. Ông Đực lấy ví dụ, chung cư cũng giống như một công ty cổ phần, nếu có 500 căn hộ thì mỗi hộ dân là một cổ phần. Trong đó, có nhiều người sở hữu 5 tới 10 cổ phần nhưng những người này thường không tham gia vào vai trò ban quản trị. Ngược lại, có những người chỉ có 1 cổ phần thôi nhưng cũng cố giành lấy vị trí trong ban quản trị. Số ít người này chính là đối tượng có tư lợi và mục đích riêng. “Ban quản trị là người nắm giữ khoản kinh phí bảo trì, một số tiền rất lớn tại nhiều chung cư. Nhiều người muốn nắm giữ số tiền này vì họ có thể sinh lợi ích, thế nên tại không ít chung cư việc bầu ban quản trị gay cấn còn hơn cả bầu tổng thống Mỹ”, ông Đực nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng cư dân cần sáng suốt để lựa chọn những người có năng lực làm ban quản trị. (Ảnh chụp ông Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm "Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư" do CafeLand tổ chức).

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, hiện nay có một câu chuyện nhức nhối đó chính là một số đối tượng có mục đích tư lợi cố giành giật vị trí trong ban quản trị thông qua khe hở của quy định tổ chức hội nghị nhà chung cư. Theo quy định, tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị lần đầu tiên phải có trên 75% cư dân tham dự, lần thứ 2 phải trên 50%, còn lần thứ 3 thì không quy định số lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, tại rất nhiều chung cư, phần lớn cư dân đều thờ ơ với việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, lần đầu có khoảng 20% cư dân tham dự, lần sau cũng 20% đến lần thứ 3 không quy định số lượng tham dự thì đây chính là lúc những người có mục đích nắm được quản lý tòa nhà thông qua vai trò ban quản trị.

“Tôi cho rằng nhóm này rất ít, khoảng 2 – 5%, họ liên kết lại với nhau vì lợi ích. Lạ nhất là trong một hội nghị nhà chung cư có 10 người thì chỉ 2 -3 người là sinh sống ở chung cư, còn lại là người ở bên ngoài vào nhưng họ vẫn tham gia hội nghị với tư cách là người được ủy quyền. Đây là một vấn đề rất nhức nhối”, ông Nghĩa nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù thực tế là có những người vì mục đích xấu, chỉ là số rất ít nhưng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ban quản trị tại các chung cư. Rất nhiều ban quản trị làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình và giúp cho đời sống của rất nhiều cư dân trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, cần có thêm những quy định và chế tài để giúp ban quản trị thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng ban quản trị chung cư Độc Lập A (quận Tân Bình) cho biết, mặc dù với vài trò ban quản trị nhưng trong rất nhiều tình huống xảy ra tại chung cư thì họ không biết xử lý ra sao. Chẳng hạn, việc cư dân gây tiếng ồn, mất vệ sinh, hay làm ảnh hưởng đến hoạt động chung thì ban quản trị cũng chỉ có thể nhắc nhở, nhiều cư dân không nghe thậm chí còn phản ứng lại ban quản trị. Do đó, cần phải có quy chế rõ ràng để phân quyền hạn, trách nhiệm xử lý cho ban quản trị chung cư.

Mặt khác, Thông tư 02 về quản lý chung cư được ban hành khá chi tiết nhưng ông Dũng cho rằng còn thiếu đi những quy định về tiêu chuẩn chọn người tham gia ban quản trị. “Cần phải có những quy định về điều kiện để làm ban quản trị, nếu trong một chung cư không có người đảm bảo những tiêu chuẩn ấy thì đại diện chính quyền phải cử người vào quản lý hoặc thuê một đơn vị có năng lực quản lý”, ông Dũng nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, trong việc lựa chọn ban quản trị thì vai trò của cư dân sẽ quyết định. Nếu cư dân sáng suốt, có trách nhiệm tham gia hội nghị nhà chung cư đông đủ và lựa chọn những người có năng lực thì những đối tượng có mục đích tư lợi sẽ “hết cửa” sống.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.