Ít nhất có hơn 10 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được đầu tư trên đoạn đường khoảng 20 km, chạy dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành từ sân bay Quốc tế Cam Ranh đi về hướng thành phố Nha Trang. Đối với khách du lịch mới đến thành phố biển Nha Trang, những hình ảnh này cho thấy tiềm năng lớn về du lịch của thành phố này.

Một góc dự án bất động sản nghỉ dưỡng Hyatt Regency ở Đà Nẵng. Ảnh: Đăng Hùng

Tuy nhiên, đối với những ai thường xuyên đến với Nha Trang, những hình ảnh này hầu như không thay đổi so với vài năm trước. Hạng mục duy nhất mà các dự án ở khu vực này triển khai chỉ là những hàng rào chắn để phân cách các dự án.

Những dự án trên chỉ là một phần của Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch từ đầu năm 2004 với tổng diện tích 2.150 ha. Tính đến cuối năm 2012, khu du lịch này có 34 dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa, hầu hết các dự án này đều không triển khai theo đúng tiến độ quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, hoặc có triển khai nhưng chỉ một phần nhỏ. Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư hoặc liên doanh thực hiện dự án tại khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh (trước đây chủ yếu là nhà đầu tư trong nước).

Những hình ảnh tương tự như vậy không chỉ xuất hiện ở Cam Ranh, mà còn ở nhiều nơi có bờ biển đẹp ở Việt Nam.

Một thời là thiên đường của các dự án du lịch tầm cỡ nhưng nay dọc con đường đi về các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều khu đất rộng hàng trăm hecta đã được các chủ dự án du lịch cắm mốc, treo biển rồi bỏ hoang. Những địa danh du lịch biển khác của Việt Nam như Phú Quốc, Vũng Tàu, Lăng Cô, Mũi Né, Đà Nẵng cũng trong tình cảnh tương tự.

Cách đây 3 năm, trong một bài viết về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, NCĐT đã từng đặt một câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra với thị trường này khi Việt Nam đang đón nhận một “cơn sóng thần” về bất động sản nghỉ dưỡng (theo cách nói của CBRE Việt Nam). Sẽ là cơ hội hay tai họa?”

Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó, vì vẫn tùy thuộc vào cách cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua cho thấy tai họa vẫn chưa xảy đến, nhưng cơ hội thì thực sự không phải ai cũng nắm được. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho nhiều dự án sẽ mãi nằm trên giấy.

“Họ đã thất bại”, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, nhận xét về tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khá khác biệt, đòi hỏi nhà phát triển dự án phải có kinh nghiệm. Vốn đầu tư cho dự án cũng khá lớn nên không phải ai cũng có thể trụ được. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư Việt Nam có năng lực tài chính khá yếu, kinh nghiệm lại không nhiều.

Thực ra, nhiều người thấy trước vấn đề này, nhưng việc đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thường theo kiểu “tay không bắt giặc”, nên một số chủ đầu tư có tâm lý “làm không được cũng chẳng mất gì”.

2008-2010 là thời kỳ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động nhất. Thế nhưng, kể từ năm 2011, thị trường này đã chững lại và ngày càng trở nên ảm đạm. Số dự án nghỉ dưỡng mở bán trong năm 2013 đếm chưa đầy một bàn tay và chủ yếu là những dự án cũ.

Trong gần 3 năm qua, cũng không còn báo cáo nghiên cứu về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được các công ty nghiên cứu thị trường công bố. Phải chăng bất động sản nghỉ dưỡng đã hết thời?

“Theo tôi, dự án Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu) không cần casino vẫn có thể đầy khách. Xếp hàng ăn sáng ở Laguna Lăng Cô ở Huế hay Hyatt Regency ở Đà Nẵng vẫn rất chật chội. Với những hình ảnh này, tôi không nghỉ là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã hết thời”, ông Townsend nói.

Theo ông, nếu nhìn về trung và dài hạn, việc đầu tư thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là rất tiềm năng. Bởi lẽ, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ đầu của quá trình phát triển khi so sánh sự phát triển của loại hình này ở các thị trường du lịch khác ở châu Á như Phuket, Bali.

“Khắp châu Á, các bãi biển như Bali và Phuket giờ đã quá tải. Đây là cơ hội cho Việt Nam. Vấn đề là các ông chủ phải đánh giá lại quy mô của thị trường, có chiến lược kinh doanh phù hợp và quan trọng là có đủ thực lực để theo đuổi cuộc chơi hay không”, ông nói.

Thực tế cho thấy trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút lui, doanh nghiệp trong nước bỏ hoang dự án, một số nhà đầu tư vẫn kiên trì theo đuổi. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dự án Hồ Tràm, chẳng hạn, tiếp tục khởi công tòa tháp thứ hai sau khi đưa vào sử dụng tòa tháp 1 của giai đoạn 1 dự án Hồ Tràm. Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree đang chuẩn bị đầu tư tiếp giai đoạn 2 sau khi đã rót vào dự án 200 triệu USD.

Tại Nha Trang, sau khi chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, một số nhà đầu tư ngoại cũng bắt đầu rót vốn vào khu vùng vịnh. Giữa tháng 1.2013, Tập đoàn Emirates NBD Bank PJSC (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) thông qua một công ty Thụy Sĩ và đối tác Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD vào một dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Cam Ranh.

Mới đây, Công ty Alma (Israel) cũng công bố đầu tư 300 triệu USD để xây dự án nghỉ dưỡng Vịnh Thiên Đường 30ha tại khu vực Bãi Dài ở bán đảo Cam Ranh.

“Những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thực sự là những nhà đầu tư có tiến độ xây dựng không phụ thuộc vào tiến độ bán hàng của dự án. Chúng tôi cũng không bán bất động sản mà là bán những kỳ nghỉ cho khách hàng”, ông Brian Martin, Tổng Giám đốc Alma, nói.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng mô hình kinh doanh của Alma có thể mở ra một cách thức kinh doanh mới cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Đó là mô hình sở hữu kỳ nghỉ (holiday ownership community). Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay thực hiện mô hình này.

Tại khu nghỉ dưỡng Vịnh Thiên Đường của Alma, khách hàng chỉ cần trả trước phí một lần trong khoảng thời gian nhất định (có thể lên đến 50 năm) để sở hữu thẻ thành viên. Ngoài ra, họ còn được trao đổi kỳ nghỉ với hơn 6.000 khu nghỉ dưỡng khác trên toàn cầu.

Mặc dù chưa chính thức công bố mức giá, nhưng theo tìm hiểu của NCDT, giá Alma dự định tung ra bán ở gói nhỏ nhất trong năm đầu tiên là khoảng 5.000 USD, tương đương hơn 100 triệu đồng (kỳ nghỉ 1 tuần trong vòng 50 năm cho căn hộ 70 m2). Mức giá này sẽ tăng dần trong những năm sau đó lên đến mức 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng).

“Nhiều chủ đầu tư nghỉ dưỡng ở Việt Nam chỉ chăm chăm làm dự án để bán đất hoặc căn hộ. Nhưng với mức thu nhập hiện nay của người Việt Nam, những căn hộ hoặc biệt thự hàng trăm ngàn hoặc triệu đô thì rất ít người có thể tiếp cận. Mục đích của khách nghỉ dưỡng là những kỳ nghỉ. Do vậy, mô hình kinh doanh này khá mới và hay.” ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Cát Lợi (Nha Trang), nhận định.

Lưu Đức (Nhịp cầu Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.