Chuyện trái khoáy này xảy ra tại khu nhà 116 Trần Quốc Toản, P.7, Q.3, TP.HCM khiến 19 hộ dân bị ảnh hưởng, đã khiếu nại hơn sáu năm qua nhưng mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bán nhà “không giống ai”, vẫn khẳng định làm đúng

Theo người dân nơi đây, từ năm 1988, họ được cơ quan nhà nước tạm cấp nhà. Đến năm 2007, theo quy định mới, mọi người phải chuyển sang ký hợp đồng thuê nhà sở hữu nhà nước với Công ty Dịch vụ công ích Q.3. Khoảng một năm sau, họ được giải quyết mua nhà sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, ký hợp đồng mua bán xong, nhiều người tá hỏa khi phát hiện diện tích trên giấy chủ quyền nhà của mình bị “bốc hơi” nhiều m2 so với diện tích trên giấy phép xây dựng.

Đưa tờ giấy phép xây dựng cho chúng tôi xem, ông Nguyễn Xuân Minh (116/12A Trần Quốc Toản, P.7, Q.3) chặc lưỡi: “Giấy này ghi rõ nhà tui có diện tích 76,88m2, nhưng khi cấp giấy chủ quyền, họ ghi diện tích sàn chỉ có 69,58 m2”. Các hộ dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ông Minh không được mua cầu thang trong nhà mình

Ngay sau khi phát hiện sự việc, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại đến UBND Q.3. Thế nhưng, họ đã giật mình khi nghe cán bộ quận giải thích, nguyên nhân diện tích trên giấy chủ quyền thấp hơn diện tích trên giấy phép xây dựng là vì cơ quan chức năng không bán… vách tường hai bên nhà, không bán cầu thang và chỉ bán 1/2 ban công(!). Cán bộ quận khẳng định việc bán như thế là… đúng quy định. Không đồng ý với cách giải thích trên, các hộ dân tiếp tục khiếu nại.

Theo ông Minh, đối với riêng trường hợp của ông, trong đơn khiếu nại lần hai, ông đề nghị UBND Q.3 phải bán thêm cầu thang, ban công và một vách tường nhà cho ông. UBND Q.3 mời thêm Sở Xây dựng (XD) TP và một số đơn vị có liên quan đến giải quyết. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, các cơ quan trên vẫn khẳng định mình làm đúng. UBND Q.3 giải thích, nguyên nhân không bán cầu thang vì cầu thang trong nhà… cao dưới 1,6m; các vấn đề còn lại là cấu trúc liên hoàn trong nhà nên không thể bán. Ông Minh bức xúc: “Bán cho tui căn nhà một trệt, một lầu mà không bán cầu thang thì tui đi bằng gì để lên lầu. Vô lý rõ ràng như vậy mà họ vẫn khăng khăng mình làm đúng”. Ông tiếp tục khiếu nại đến UBND TP.HCM, UBND TP chỉ đạo Hội đồng bán nhà ở TP, Sở XD, UBND Q.3 xem xét giải quyết. Tuy nhiên, một lần nữa các cơ quan này vẫn khẳng định họ làm đúng.

Ông Minh và các hộ dân lại khiếu nại đến UBND TP. Lãnh đạo UBND TP chỉ đạo Sở XD, Thanh tra TP cùng hàng loạt các sở, ngành khác tổ chức kiểm tra thực địa. Kết quả cho thấy khiếu nại của người dân là có cơ sở, nên khoảng đầu năm 2011, UBND TP chỉ đạo UBND Q.3 cập nhật thêm phần diện tích cầu thang, ban công vào giấy chủ quyền cho người dân. Theo ông Minh, sau khi cập nhật xong, tổng diện tích sử dụng nhà ông vẫn còn thiếu hơn 3m2 so với diện tích trên giấy phép xây dựng. Ông cho rằng, phần thiếu này đang nằm trong một phần diện tích cầu thang, ban công và vách tường nhà. Tuy nhiên, từ đó, không cơ quan nào giải quyết khiếu nại của ông nữa. Khoảng đầu năm 2014, ông Minh nộp đơn khởi kiện UBND TP.

Hai căn nhà tường riêng rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn khẳng định tường chung

1m2 cũng phải làm rõ

Theo ông Minh, trong vụ việc này, nhiều khả năng cơ quan tham mưu cho UBND TP đã báo cáo không đúng sự thật khiến UBND TP bác đơn khiếu nại của ông. Cụ thể, đối với việc ông khiếu nại xin mua tường nhà, vào khoảng cuối năm 2010, UBND TP có chỉ đạo Hội đồng bán nhà ở TP, Sở XD, Thanh tra TP, Sở Tư pháp, UBND Q.3… thành lập tổ kiểm tra khảo sát thực địa. “Trong biên bản ghi rõ vách tường tiếp giáp giữa nhà tôi và nhà lân cận là khe co giãn có hai tường, hai cột, hai đà. Có nghĩa đây là tường riêng. Thế nhưng, khi trả lời đơn khiếu nại của tôi, UBND TP khẳng định hai căn nhà được xây dựng trên kết cấu chung gồm móng, cột đà, bê tông cốt thép. Có nghĩa đây là tường chung nên không thể bán”.

Bà Nguyễn Thị Hồng (nhà sát vách với ông Minh) cho biết: “Hai căn nhà có hai bức tường riêng rõ ràng. Vì vậy, tôi cũng nhiều lần đề nghị được mua bức tường của mình nhưng họ cứ nói tường chung không bán. Trong khi đó, sau khi họ cập nhật thêm cầu thang, ban công cho tôi thì nhà tôi vẫn còn thiếu gần 4m2 so với giấy phép xây dựng. Vậy phần thiếu đó ở đâu?”.

Sau khi ông Minh gửi đơn khởi kiện, từ khoảng giữa tháng Chín đến giữa tháng 12/2014, tòa ba lần triệu tập các bên đến đối thoại, nhưng phía UBND TP chỉ đến một lần, hai lần vắng mặt không lý do. Sau ba lần đối thoại không thành, ngày 30/12, TAND TP đã chính thức đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm, nhưng UBND TP tiếp tục vắng mặt, phiên tòa phải tạm hoãn.

Theo ông Minh, từ khi khiếu nại đến khi nộp đơn ra tòa án, ông đã mất hơn sáu năm, bốn tháng lo lắng, tìm tài liệu, viết đơn, in ấn, sao chép… Đã có tổng cộng 144 văn bản của các cơ quan chức năng chỉ đạo liên quan đến vụ việc nhưng vẫn không giải quyết xong. “Bất đắc dĩ tôi mới nộp đơn khởi kiện đến tòa án. Vụ việc không lớn nhưng tôi muốn họ làm sai thì phải nhận. 1m2 cũng phải làm rõ” – ông Minh nói.

Phan Trí (Phụ nữ TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.