Nguồn tin bộ Giao thông vận tải cho hay, bộ này sẽ thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá đại gia ngành hàng không ngay trong năm 2014.

Theo đó, dự kiến ACV sẽ chọn một sân bay để tiến hành cổ phần hoá thí điểm nhằm rút kinh nghiệm trước, vì hiện nay nhiều sân bay đang dùng chung cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Đây cũng là điều mà cả hai bộ Tài chính và Kế hoạch và đầu tư kiến nghị bộ Giao thông vận tải xin ý kiến bộ Quốc phòng khi tiến hành cổ phần hoá tổng công ty này.

Trước đó, tại hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vừa qua, bộ trưởng Đinh La Thăng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp này ngay trong năm 2014, thay vì để đến giai đoạn sau năm 2015 như lộ trình được phê duyệt trước đó.

Trước kiến nghị của bộ Giao thông vận tải xin được cổ phần hoá ACV ngay để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án tỉ đô tới đây, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo bộ này phải làm rõ những băn khoăn của các bộ ngành khi tham gia ý kiến về chủ trương này.

Cụ thể, tham gia ý kiến về vấn đề này, bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng điều này là phù hợp với tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là lộ trình cổ phần hoá phải đi nhanh hơn như yêu cầu mới đây của Thủ tướng.

Tuy nhiên, bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, việc đầu tư xây dựng và mở rộng các dự án tới đây, như sân bay Long Thành 5,6 tỉ USD, mở rộng sân bay Nội Bài lên công suất 50 triệu/khách “cần được nghiên cứu, tính toán kỹ trên cơ sở đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án”. Dẫn báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV, bộ Kế hoạch và đầu tư lập luận: Dù năm 2013 ACV vẫn lãi trước thuế hơn 1.400 tỉ đồng nhưng so với năm 2012 thì đã giảm gần 27%.

Băn khoăn thứ hai được bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra là, hiện có nhiều sân bay được dùng cho cả quân sự lẫn dân sự, vì vậy cần có phương án xử lý các cảng hàng không này để đảm bảo mục tiêu cho an ninh quốc phòng. “Cần lấy ý kiến của bộ Quốc phòng về chủ trương này”, bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.

Đây cũng là điều mà bộ Tài chính hết sức băn khoăn. Bộ này yêu cầu cần có sự phân tích tác động đối với các sân bay dùng cho cả mục đích quân sự khi ACV tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức.

Một vấn đề nữa mà bộ Tài chính rất quan ngại là hiện nay ngân sách vẫn đầu tư một phần cho xây dựng sân bay bên cạnh phần vốn của công ty mẹ ACV. “Do đó, nếu tới đây ACV thành công ty cổ phần thì việc dùng vốn ngân sách đầu tư vào sân bay sẽ do tổ chức nào quản lý, giám sát và hạch toán của ACV với tư cách cổ đông sẽ được thực hiện ra sao?”, bộ Tài chính nêu vấn đề.

ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu bao gồm văn phòng tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc, ba công ty con và ba công ty liên doanh liên kết.

Đến hết năm 2013, tổng tài sản của công ty mẹ ACV là trên 30.000 tỉ đồng và doanh thu khoảng 8.400 tỉ đồng. Thực hiện đề án tái cơ cấu đã được bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hiện tổng công ty đang tiến hành cổ phần hoá hai công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay là công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.

Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành và đề xuất mà ACV đang trình hội đồng Thẩm định Nhà nước, tuần trước, hội đồng này cũng đã có văn bản yêu cầu ACV và bộ Giao thông vận tải giải trình thêm một số băn khoăn của các thành viên hội đồng.

Như việc làm rõ tiến độ và phương án giải phóng mặt bằng lên đến 5.000ha. Hội đồng này cho rằng đại diện chủ đầu tư phải nói rõ các giai đoạn, thời gian, diện tích... chuẩn xác các số liệu về nhu cầu và hiện trạng sử dụng đất của từng giai đoạn thu hồi đất.

Bên cạnh đó, phương án kết hợp khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất trong từng giai đoạn cũng cần làm rõ, để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất.

Đáng lưu ý, hội đồng Thẩm định cho rằng chủ đầu tư cần bóc tách các hạng mục, nêu rõ căn cứ chi phí xây dựng, và nhất là có phép so sánh với các cảng hàng không trong khu vực về suất đầu tư, lợi thế cạnh tranh và cả hạn chế của dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Bông Trung (Sài Gòn tiếp thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.