Trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2013, các bản cáo bạch của một số ngân hàng có một điểm đáng lưu ý đó là khối này vẫn thích “bám đất”, dù tình hình của các DN BĐS không mấy khả quan.

Chẳng hạn, Ngân hàng Việt Á vẫn tiếp tục tham gia rót vốn vào khá nhiều DN BĐS, như nắm 11% vốn ở Đất Xanh (DXG), giữ 8,53% vốn ở CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi (CCI); giữ 4,13% vốn ở Sông Đà 6 (SD6). BIDV cũng đang sở hữu 8,09% vốn ở CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL); 2,45% vốn ở CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) và 1,19% vốn ở Nhà Thủ Đức (TDH).

Hay NHTMCP Phương Nam (Southern Bank) vẫn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại BCI, là cổ đông lớn thứ hai tại đơn vị này với tỷ lệ sở hữu 12,93% vốn. Các quỹ thuộc Deutsche Bank như Deutsche Asset Managament (Asia) Limited, Deutsche Bank AG London, Deutsche Bank Aktiengesellschaf cũng là cổ đông hàng đầu ở Năm Bảy Bảy (NBB)…

Nhìn tổng thể, nhiều ý kiến nhận định các ngân hàng nắm giữ cổ phần tại DN BĐS phần lớn là mối quan hệ trực thuộc hoặc có thể do các đơn vị này thiếu nợ nên chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, đó chỉ là một phần lý do, thực ra các ngân hàng vẫn đánh giá rất cao cổ phiếu BĐS. Theo đó, những giao dịch trên thị trường đều mang tính chiến lược của các đơn vị. Đơn cử, mối quan hệ giữa Southern Bank và BCI không hẳn là mối quan hệ tín dụng mà có thể chỉ là quan hệ giữa DN và cổ đông…

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh phân tích, xét về thị giá, trong nhóm các DN BĐS đang niêm yết tại hai sàn đều đang có giá thấp nhất. Khi thị trường BĐS trầm lắng, cổ phiếu rớt giá, nhiều người e ngại không mua vì thấy khả năng tăng mạnh của cổ phiếu này khó xảy ra. Tuy nhiên, khi khối ngoại, thậm chí khối nội bắt đầu gia tăng mua vào cổ phiếu này, đã có nhiều nhà đầu tư cá nhân tăng mua theo. Điều này được thể hiện rõ trên bảng giao dịch, nếu xem xét kỹ con số thống kê sẽ thấy khoảng 80% các giao dịch đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm 2013 của khoảng 20 DN BĐS trên sàn đến từ cổ đông nội.

“Ở đây, nếu tách biệt 2 yếu tố “rẻ” và “nước ngoài” riêng biệt, khả năng nhà đầu tư sẵn sàng mua vào chưa chắc đã có. Nhưng gộp chung 2 yếu tố kèm theo tình hình thị trường đang ngày một khả quan, câu chuyện sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác”, lãnh đạo trên nói.

Như vậy, một điều đang được các nhà đầu tư chú ý ở đây là khi đặt ra câu hỏi “sóng cổ phiếu BĐS sẽ mạnh đến đâu?” nhiều chuyên gia, nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường đều tỏ ra e dè. Nhưng thực tế, nếu nhìn vào dòng tiền tham gia cổ phiếu BĐS và các mức định giá như hiện nay, có thể thấy rõ dòng tiền đang đổ vào thị trường này, đặc biệt các tổ chức ngân hàng và Quỹ đầu tư vẫn duy trì thì chí ít diễn biến của cổ phiếu cũng sẽ ổn định.

Đưa ra quan điểm về đầu tư, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACBS cho rằng, để đánh giá về cổ phiếu ngân hàng đòi hỏi phải có thêm thời gian mới hình thành kỳ vọng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do vậy, để lựa chọn, hiện nay các nhà đầu tư đang dành nhiều sự quan tâm đối với cổ phiếu BĐS nếu cổ phiếu này vẫn giữ được mức giá ổn định. Song nếu kỳ vọng đột phá của cổ phiếu BĐS trong thời gian ngắn sẽ rất khó”, ông Khôi nói thêm.

Vũ Hoàng (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.