Tính đến hết tháng 7-2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới giao đất dịch vụ cho 10.121/78.820 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đạt 12,84% (tương ứng với 44ha). Kết quả này được cho là chậm so với tiến độ do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, việc phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện còn thiếu chặt chẽ.

Trong bối cảnh đó, quận Hà Đông - địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cũng như số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất lớn nhất toàn thành phố - đã giao đất dịch vụ đạt hơn 29% (tính đến hết tháng 9-2013) và dự kiến hết năm nay, sẽ giao đất dịch vụ cho khoảng 6.500 hộ, đạt 41% số hộ trong diện xét duyệt. Nhìn vào con số, mọi chuyện có vẻ trơn tru, nhưng trong thực tế, "hơi nóng" và sức ép là rất lớn.


Quá trình phát triển đô thị của quận Hà Đông đang gặp nhiều vướng mắc trong việc giao dịch đất dịch vụ. Ảnh: Linh Ngọc

Linh hoạt vận dụng chính sách, bảo đảm sự công bằng

Vốn là thủ phủ của tỉnh Hà Tây cũ, nay là một trong mười quận của Thủ đô Hà Nội, tốc độ đô thị hóa của Hà Đông diễn ra mạnh mẽ. Trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1-8-2008), Hà Đông có 85 dự án với diện tích 1.600,8ha đất thu hồi, số lượt hộ liên quan bị thu hồi đất khoảng 33.750 và sau thời điểm 1-8-2008 đến 29-9-2009 tiếp tục thu hồi 5 dự án, diện tích là 74,2ha, số lượt hộ liên quan bị thu hồi đất khoảng 1.429 hộ. Trong tổng số dự án thực hiện công tác GPMB có 70 dự án thu hồi đất nông nghiệp, diện tích khoảng 1.663ha, số lượt hộ liên quan 34.645 hộ (riêng 25 khu đất dịch vụ được tính là 1 dự án) được hưởng chính sách chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ.

Để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người bị thu hồi đất và nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006 và Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007. Tuy nhiên hai Nghị định trên đều không có thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện. Đứng trước tình hình đó, để kịp thời tổ chức triển khai Nghị định, đáp ứng quyền lợi của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) đã ban hành Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh (SXKD) dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư.

Theo quyết định này, hạn mức giao đất dịch vụ làm mặt bằng SXKD hoặc đất ở được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho mỗi hộ gia đình, cá nhân nhưng tối đa không quá 50m2/hộ. Mức giao cụ thể do UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định trên cơ sở khả năng quỹ đất của địa phương.

Có thể nói, chủ trương giao đất dịch vụ của tỉnh Hà Tây cũ được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao. Tuy nhiên trong triển khai thực hiện, công tác xét duyệt đối tượng giao đất dịch vụ trên địa bàn Hà Đông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là có đến trên 50% số phường (trong diện), người dân bị thu hồi cơ bản diện tích đất nông nghiệp để triển khai các dự án. Có những hộ dân bị thu hồi 5.000-6.000m2 nhưng theo Quyết định số 1098 cũng chỉ được giao 50m2 đất dịch vụ trong khi có hộ bị thu hồi 500m2 đất nông nghiệp cũng được giao một lô 50m2 đất dịch vụ. Vậy nên áp dụng cứng nhắc Quyết định số 1098 thì chưa bảo đảm sự công bằng giữa các hộ có diện tích bị thu hồi. Điều đó dẫn đến công tác GPMB cho việc thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, người dân không đồng tình.

Từ tình hình đó, căn cứ các quy định của Nhà nước, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hà Đông đã bàn bạc, thống nhất chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án giao đất dịch vụ trên cơ sở cân đối khả năng quỹ đất dịch vụ của từng phường để xác định tỷ lệ giao đất chung cho địa bàn. Tỷ lệ giao đất dịch vụ của từng phường được tính theo nguyên tắc lấy tổng diện tích quỹ đất dịch vụ đã thu hồi trên địa bàn trừ đi diện tích đầu tư hạ tầng chia cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi của toàn phường rồi nhân với 100%. Như vậy, diện tích đất dịch vụ được giao cho hộ gia đình, cá nhân bằng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời điểm áp dụng chính sách giao đất dịch vụ nhân với tỷ lệ giao đất dịch vụ của từng phường theo cách tính trên nhưng không quá 50m2/lô. Trường hợp có diện tích đất dịch vụ được giao nhỏ hơn 50m2 thì được ghép với hộ gia đình, cá nhân khác để bảo đảm đủ một lô theo quy hoạch với hình thức giao đồng sử dụng. Trường hợp có diện tích đất dịch vụ được giao lớn hơn 50m2 thì các hộ họp gia đình cử người nhận tiêu chuẩn đất dịch vụ của gia đình. Cá biệt đối với các phường đã cơ bản thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp, chỉ còn một số dự án đã có quy hoạch nhưng chưa thu hồi đất thì thống nhất coi như đã thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp để làm cơ sở tính tiêu chuẩn đất dịch vụ cho các hộ.

Nhìn chung, cách tính như trên đã bảo đảm được tính công bằng giữa hộ bị thu hồi nhiều với hộ bị thu hồi ít nên được người dân các địa phương đồng tình ủng hộ và thống nhất cao khi thông qua đề án giao đất dịch vụ tại cơ sở. Đối với những vướng mắc nêu trên, UBND quận Hà Đông đã có nhiều văn bản báo cáo UBND thành phố đề nghị cho tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1098 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) và tiêu chí, đối tượng được xét duyệt đất dịch vụ đã công bố với người dân mà UBND quận Hà Đông đã và đang thực hiện.

Có tiêu cực không?

Để triển khai công tác giao đất dịch vụ, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các phường thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng xét duyệt, tổ công tác giúp việc cho Hội đồng xét duyệt để tổ chức lập hồ sơ, xét duyệt các trường hợp giao đất dịch vụ ở cơ sở trước khi trình UBND quận xem xét, phê duyệt. Quá trình xây dựng đề án giao đất dịch vụ phải được lấy ý kiến đóng góp và được thông qua cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cơ sở và tổ chức niêm yết công khai để toàn thể người dân địa phương được biết. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Trường Sơn: Tại cơ sở, Hội đồng xét duyệt của các phường sau khi xem xét từng trường hợp đã niêm yết công khai danh sách các hộ đủ điều kiện giao đất, trong 15 ngày nếu không có ý kiến thắc mắc, UBND phường hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng xét duyệt của quận thẩm định, rà duyệt lần cuối rồi tiếp tục niêm yết công khai tại phường trong 7 ngày. Nếu không có ý kiến thắc mắc, UBND quận mới ra quyết định phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện giao đất dịch vụ. Cùng với đó, Hà Đông đã thiết lập quy hoạch chi tiết việc phân lô các khu đất dịch vụ trên địa bàn toàn quận, tổ chức xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng diện tích đất dịch vụ được giao.

Với cách làm như trên, việc xét xây dựng đề án giao đất dịch vụ của các phường trên địa bàn Hà Đông được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, minh bạch. Ngay tại những địa bàn có số hộ bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp lớn tương ứng với số hộ đủ điều kiện được giao đất dịch vụ lớn như Dương Nội, Kiến Hưng, La Khê, Phú La… cũng không phát hiện cán bộ cơ sở có sai phạm, tiêu cực.

Mấu chốt của khúc mắc thay đổi chính sách

Như đã nêu, trước đây, về cơ bản việc giao đất dịch vụ ở quận Hà Đông nói riêng cũng như các địa bàn khác thuộc tỉnh Hà Tây cũ nói chung được thực hiện theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND. Sau thời điểm hợp nhất theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII (1-8-2008), căn cứ Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, kể từ ngày 1-10-2009, hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án không được hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ mà hỗ trợ bằng tiền, trừ trường hợp các dự án được UBND TP cho phép thực hiện cơ chế đặc thù. Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông Nguyễn Minh Trường cho biết, đây chính là mấu chốt của những vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo giao đất dịch vụ trên địa bàn.

Như vậy, các trường hợp có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi sau thời điểm 1-10-2009 nhưng không được thành phố cho áp dụng cơ chế giao đất dịch vụ, đã được xét duyệt tiêu chuẩn đất dịch vụ theo chỉ đạo của quận Hà Đông đều thoái thu tiền đầu tư hạ tầng (đối với các hộ đã đóng) và tổ chức xét duyệt ghép lô lại.

Đến nay, UBND quận đã phải hủy kết quả xét duyệt của 1.264 trường hợp trên địa bàn các phường: Dương Nội (1.021 trường hợp), Yên Nghĩa (244 trường hợp) và đang thực hiện xét duyệt lại để ghép lô. Đây là một trong nguyên nhân khiến một số người dân băn khoăn. Cộng với sự thay đổi về cơ chế, chính sách giữa tỉnh Hà Tây cũ với TP Hà Nội; quá trình thực thi còn có một số thiếu sót, đặc biệt là việc chưa hiểu một cách đầy đủ chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận nhân dân đã dẫn tới tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, dai dẳng, gây mất ổn định tình hình, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của địa phương.
Nhóm PV nội chính (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.