Đứng ở một góc xóm Gò nhìn vào đất liền là bãi rác Đa Phước. Nơi đây còn có một nghĩa trang rộng lớn. Tất cả rác rến và người chết trong toàn TP.HCM đều dồn về đây. Điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân xóm Gò...

Đất ở Sài Gòn 200.000đ/m2 không ai mua

Ngồi bên thềm nhà chị Tươi, mùi thoang thoảng từ xa đưa tới. Mùi gì vậy chị ?, Mùi rác từ bên Đa Phước đó. Chị Tươi khẳng định và nói tiếp: “Ở đây, chúng tôi quen rồi không thấy hôi. Anh biết không, từ ngày có bãi rác, nước thải, nước rỉ rác trôi ra sông theo dòng nước đi vào xóm Gò đã làm cho cuộc sống chúng tôi vô cùng khó khăn”.

Ái ngại cho cuộc sống của người dân, chúng tôi nhìn ra ao cá nhà chị. Trên mặt nước nổi váng màu vàng kèm theo nhiều rác li ti. Đặc cả ao như thế làm sao cá có thể sống được? Chúng tôi hỏi chị. Chị cho biết, phải thay nước thôi. Đợi đến lúc nước ròng tháo ra rồi chờ khi nước lớn lấy nước mới vào mới có thể thả cá được.

xóm Gò, bãi rác Đa Phước, Sài Gòn, bán đất

Câu chuyện bị ngắt quãng khi chồng chị Tươi từ ngoài bước vào. Trên tay anh, một giỏ bồn bồn nặng trĩu. Như tiếp lời vợ, anh cho biết gia đình tôi ở xóm Gò này đã nhiều đời. Sông nước là nguồn sống của người dân nơi đây. Sông rạch trước đây nhiều tôm lắm cá. Chỉ cần một con thuyền một tấm lưới mỗi ngày bỏ ra vài giờ là có khoảng thu nhập kha khá từ việc bán thủy sản thu hoạch được. Thiên nhiên ưu đãi bà con bao nhiêu thì bãi rác Đa Phước làm nghèo chúng tôi bấy nhiêu. Bây giờ, đi cả ngày trời may lắm thì đủ cá tôm cho gia đình ăn chứ làm gì có dư để bán. Bởi vậy, từ dạo ấy đến nay chúng tôi phải trồng thêm bồn bồn để có cái ăn cái mặc.

Nhìn vợ chồng chị Tươi, chúng tôi không tìm thấy chút ưu tư nào. Cả hai dường như chấp nhận tất cả. Họ sống không gợn buồn phiền không oán than trách móc. Nguyện vọng của mọi người trên xóm Gò là được bám trụ lại đây. Thế nhưng, cuối năm 2012, chính quyền địa phương thông báo sẽ di dời một số hộ dân để thu hồi 160ha phục vụ cho trồng cây cải tạo môi trường.

Nhiều người dân trong xóm cho chúng tôi biết, trước đây cũng có nhiều người muốn vào đây mua đất cất nhà lập trang trại. Có lúc họ trả đến 900 triệu/công đất nhưng từ khi có bãi rác Đa Phước và có qui hoạch di dời nhiều người muốn bán rao giá 200 triệu không ai buồn hỏi. Trong khi đó, bên kia rạch chỉ cách vài chục mét trên đất liền không qui hoạch, giá đất khá cao trên 1 tỉ đồng cho 1000m2 đất.

Cũng là vùng đất của Sài Gòn nhưng cuộc sống người dân nơi đây khác hẳn. Ngày nắng mọi người xuống ao lưới cá hay lênh đênh trên con thuyền làm bạn với sóng nước. Mùa mưa, đường xá lầy lội, bà con bó gối nhìn trời trút nước. Cả ngày nắng lẫn ngày mưa quang cảnh lúc nào cũng tĩnh mịch. Vậy mà, người Sài Gòn của xóm Gò này luôn muốn bám trụ...

Nổ lực của chính quyền

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, chủ tịch UBND xã Phong Phú vui mừng báo cho chúng tôi biết, trong tháng này, cây cầu xóm Gò nối xóm Gò với đất liền được hoàn thành.

Được hỏi về cuộc sống của bà con trên vùng đất xóm Gò, ông Nghiệp cho biết hiện điện đã phủ kín toàn xóm. Nhờ có điện bà con có điều kiện tiếp xúc với thông tin, nắm bắt được thời sự trong nước và quốc tế. Cũng nhờ có điện mọi sinh hoạt trong gia đình được cải thiện. Về nước sạch, trong xóm đã có 5 giếng khoang và sắp tới đây sẽ khoang tiếp một giếng nữa. Cả 2 tổ dân phố trong toàn khu vực này đều có nước sạch để dùng.

Việc chăm lo đời sống bà con không dừng lại ở đây. Xã đã vận động các nhà tài trợ giúp rải đá được 800m trong chiều dài 2km của con đường đất độc đạo trong xóm. Một con đường khác, bờ bao dọc theo rạch Bà Lào ngăn triều cường kết hợp giao thông sẽ được thi công góp phần thuận tiện cho bà con đi lại. Nhưng quan trọng nhất là cây cầu xóm Gò. Trước đây, từ xóm muốn vào đất liền phải đi đò. Mặc dù con rạch chỉ có vài chục mét nhưng lại cách trở đò ngang đối với bà con nơi đây. Nhờ có cầu, hàng ngày các cháu đến trường và bà con đem sản phẩm đến các chợ sẽ dễ dàng hơn. Kinh phí xây cầu lên đến 4,1 tỉ được vận động các nơi giúp đỡ.

Nói về tình trạng ô nhiễm nơi đây, ông Nghiệp cho rằng hệ thống xử lý nước thải của bãi rác Đa Phước đã làm tốt nhiệm vụ. Chỉ có mỗi lần xe rác tập trung, mùi thuốc khử mùi thoang thoảng khiến nhiều người ngộ nhận là mùi hôi của rác (?).

Chúng tôi đã chứng kiến những ao cá nổi váng màu vàng trên mặt nước. Chúng tôi cũng đã nghe bà con than phiền về những thất thu trong kinh tế gia đình do bãi rác gây ra. Chúng tôi đã đi trên chiếc cầu mới – chưa hoàn thành – với niềm tin sức sống của bà con trên xóm Gò sẽ được vực dậy. Tuy nhiên, dẫu sao hình ảnh của một xóm Gò trầm mặc, cuộc sống người dân bình thản an nhàn vẫn là sắc thái tương phản một cách độc đáo của Sài Gòn hoa lệ...

Trần Chánh Nghĩa (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.