Theo Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền, điều kiện, trình tự thu hồi đất có nhiều khác biệt so với luật cũ.

“Trong việc Nhà nước thu hồi đất mà người dân đang sử dụng, Luật Đất đai năm 2013 có nhiều quy định khác so với luật cũ”. Với lưu ý này, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) lần lượt chỉ ra các khác biệt về thẩm quyền, điều kiện, trình tự thu hồi đất.

Về thẩm quyền

Theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Các trường hợp còn lại do UBND cấp huyện thu hồi. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất không được ủy quyền.

Nay theo Luật Đất đai 2013, trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Ngoài ra, nếu Luật Đất đai 2003 quy định 12 trường hợp thu hồi đất thì Luật Đất đai 2013 chia ra thành bốn nhóm, trong đó ba nhóm là thu hồi và một nhóm là Nhà nước trưng dụng.

Một diêm dân có đất bị thu hồi trong một dự án. Ảnh minh họa: TK

Về điều kiện thu hồi

Đơn cử là việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai là “sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả”, luật mới quy định chi tiết, rõ ràng hơn so với luật cũ. Cụ thể, luật mới quy định: “Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm”; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm.

Hành vi vi phạm dẫn tới việc thu hồi đất phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Về trình tự thu hồi đất

Theo Luật Đất đai 2013, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. (Trước đây, luật cũ chỉ quy định thông báo cho người bị thu hồi biết lý do thu hồi, thời gian di chuyển, phương án tổng thể.)

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Ng.Quỳnh (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.