TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ đang quá tập trung vào chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất, cần thêm nhiều giải pháp khác để khiến DN có nhu cầu và có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 3%/năm cho 4 lĩnh vực ưu tiên: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Cơ chế này được hiểu là các DN trong 4 lĩnh vực trên sẽ được vay với lãi suất tối đa 15%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 16 - 19%/năm như các doanh nghiệp đã phản ánh. Động thái này được cho là cần, nhưng… chưa đủ.

Doanh nghiệp: khó khăn chồng chất

Tại buổi Tọa đàm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN do BIDV tổ chức ngày 4/5 với hơn 60 DN là khách hàng của Ngân hàng và DN thuộc các hiệp hội ngành nghề tham dự, đại diện DN ngành chế biến thuỷ sản cho biết, từ đầu năm đến nay, các DN chế biến chỉ hoạt động từ 50 - 60% công suất do thiếu nguyên liệu, DN phải tăng cường nhập khẩu 20 - 30% sản lượng từ các nước như: Ấn Độ, Xri Lan-ca, Thái Lan, Trung Quốc...

Đặc biệt, sau những thông tin xấu về sự phá sản của một vài công ty xuất khẩu cá tra, các tổ chức tín dụng càng thắt chặt cho vay ngay cả đối với các DN có dự án phát triển sản xuất và xuất khẩu tốt, làm hàng loạt công ty gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn để duy trì sản xuất, nhiều nhà máy rơi vào tình trạng ngưng hoạt động. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện có hơn 50% nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng.

Đối với các DN ngành gỗ, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, các dự án phát triển rừng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sản lượng gỗ phục vụ cho chế biến xuất khẩu không được cải thiện. Công tác xây dựng mạng lưới chế biến gỗ trên toàn quốc chưa có sự thống nhất để sử dụng nguồn nguyên liệu vốn đang rất khan hiếm. Hơn nữa, các DN chế biến gỗ chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, yếu về năng lực quản lý, thiếu công nhân có kỹ thuật, công nghệ chế biến còn thô sơ, mang nặng tính thủ công và đặc biệt là thiếu vốn.

Đây chỉ là 2 đại diện trong số rất nhiều ngành nghề và DN tham gia đóng góp ý kiến tại buổi Tọa đàm thể hiện sự khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và điểm khá tương đồng là thiếu vốn.

Áp trần lãi suất cho vay: cần thiết

Khó khăn thiếu vốn của DN như vừa kể có thể sẽ được tháo gỡ phần nào, khi ngay trong chiều ngày 4/5, NHNN ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%/năm cho 4 lĩnh vực ưu tiên.

Đại diện cho VPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, VPBank rất đồng thuận với chủ trương áp trần lãi suất 15%/năm cho 4 lĩnh vực ưu tiên, bởi thực tế, nếu NHNN không đặt ra chủ trương này thì VPBank cũng chủ động đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho DN của mình.

“Hiện VPBank đang triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng trong 4 lĩnh vực ưu tiên lên tới 5.000 tỷ đồng mà vẫn chưa sử dụng hết”, ông Hưng nói.

Tại BIDV, từ ngày 12/4, ngân hàng này cũng đã áp dụng mức lãi suất 13,5 - 14%/năm đối với các lĩnh vực được ưu tiên trên và 14,5 - 15%/năm đối với nhiều lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, OceanBank luôn đồng tình với các đề xuất và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, bởi DN là khách hàng của Ngân hàng và nếu DN gặp khó thì Ngân hàng cũng sẽ gặp khó. Trong khi đó, các đối tượng nằm trong đề xuất này đều là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mặc dù các ngân hàng đã hạ lãi suất và hướng dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, nhưng khó khăn về vốn và thị trường của DN vẫn còn tồn tại.

“Hiện Oceanbank đã và đang triển khai các sản phẩm cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên trên với lãi suất gần bằng mức mà NHNN đề xuất, nên OceanBank sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn và tìm thêm khách hàng mới. Bên cạnh đó, Oceanbank vẫn ưu tiên lựa chọn các DN hoạt động hiệu quả, cùng với DN tái cấu trúc tình hình tài chính và quản trị rủi ro một cách có hiệu quả nhất”, ông Hoàn nói.

Trả lời ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ đưa mặt bằng lãi suất trên thị trường xuống đáng kể, đáp ứng nhu cầu bức thiết của DN. Bên cạnh đó, việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ tạo áp lực để đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, phù hợp với xu hướng giảm của lạm phát hiện nay.

“HSBC đã có những bước hạ lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng trong suốt thời gian qua, nên động thái này của NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của Ngân hàng”, ông Hải nói.

Nhưng cần nhiều biện pháp đi kèm

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh, áp dụng các biện pháp hành chính trong một nền kinh tế thị trường chỉ nên mang tính thời điểm. Hiện thị trường Việt Nam có thể đang khó khăn và cần sự can thiệp của Nhà nước để các DN khôi phục sức khỏe, nhưng việc vận hành các biện pháp hành chính nên được cân nhắc cẩn thận về thời gian và mức độ. Việc vừa áp dụng trần tăng trưởng tín dụng, vừa khống chế trần lãi suất cho vay sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng chỉ cho vay đối với nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất. Do đó, một bộ phận khách hàng vẫn có khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng chất lượng tín dụng thấp hơn nhóm đầu có khả năng sẽ không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hưng, hiện lãi suất đã về gần bằng lãi suất năm 2008. Tuy nhiên, thời điểm đó, tín dụng đã phát triển rất tốt, còn nay thì khác. Điều này cho thấy, lãi suất không phải là nguyên nhân chính gây nên việc không tăng trưởng tín dụng. Một nguyên ngân khác, rất quan trọng, là sự đình đốn ở thị trường của các DN.

“Do vậy, vấn đề ở đây là phải làm sao thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, trên cơ sở đó, các DN mới có nhu cầu sử dụng vốn và lúc đó, vốn ngân hàng mới phát huy được tác dụng, đóng góp cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hưng nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Chính phủ đang quá tập trung vào chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất, cần thêm nhiều giải pháp khác để khiến DN có nhu cầu và có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.