Những vụ tai nạn thương tâm, hỏa hoạn tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh liên lục xảy ra trong thời gian gần đây đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về các tiêu chuẩn an toàn, lơ là công tác tập huấn kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh khi sự cố xảy ra, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người sống và làm việc tại những nơi này.

Chung cư trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, nơi xảy ra cái chết thương tâm của cháu bé 5 tuổi

Mới đây nhất, ngày 12-12, một bé trai năm tuổi ngã từ nhà cao tầng của một chung cư cũ trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Ðáng nói, tại chung cư này, lan can bảo vệ ngoài ban công chỉ cao chưa đầy 1m, cháu bé trong quá trình chơi đùa đã trèo lên đây, dẫn đến tai nạn thương tâm. Trước đó, ngày 3-11, tại tầng 15, chung cư Phú Mỹ Thuận, huyện Nhà Bè một cháu bé bốn tuổi trong khi chơi đùa gần cửa sổ cũng bị rơi xuống đất chết ngay tại chỗ. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên được xác định là trong khi chơi đùa gần cửa sổ (được thiết kế dạng cửa kính lùa kéo ngang), khi thấy đồ chơi văng ra ngoài, bé gái với tay theo nên bị rơi ra ngoài.

Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về công trình nhà ở cao tầng do Bộ Xây dựng quy định, từ tầng 9 trở lên, chiều cao của ban công, lan can phải có chiều cao tối thiểu là 1,4m. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khu chung cư, nhà cao tầng vẫn có lan can, ban công chưa đáp ứng các quy chuẩn đã đề ra. Ðối với các cửa sổ lại được thiết kế quá thấp cho nên trẻ em rất dễ leo trèo, tò mò khi đứng gần. Sau nhiều vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra nói trên, nhiều hộ dân ở đây đã tự bỏ tiền làm khung sắt để bảo đảm an toàn cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những hành động khi mọi sự đã rồi, còn trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra rất lơ là đối với vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, việc phòng ngừa tai nạn ở trẻ thì gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức, ý thức, luôn để mắt và quan tâm đến trẻ, không để trẻ tự ý đến gần những điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn như: bếp, lan can, cầu thang... Ðể trẻ em ý thức sớm được những nguy cơ này cần dạy cho trẻ những kỹ năng an toàn từ lúc nhỏ. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Hiện nay, ngoài các quy chuẩn chung về xây dựng nhà cao tầng, các công trình hiện đều do chủ đầu tư tự thiết kế và xây dựng nên Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thiết kế có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, nhất là trẻ em. Chủ đầu tư cần có trách nhiệm tư vấn thêm cho người sử dụng nhà về những kỹ năng, giải pháp nhằm bảo đảm an toàn khi bàn giao căn hộ.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn thành phố cũng luôn nơm nớp lo các sự cố về cháy nổ không biết tự giải cứu như thế nào trước khi có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng. Ðiển hình nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra mới đây tại tầng 4, cao ốc Phúc Thịnh, quận 5, hàng trăm người hoảng loạn chạy toán loạn để mong thoát thân, thậm chí, một số gia đình khi nghe chuông báo động còn không hay biết có cháy nên vẫn ở trong nhà như không có chuyện gì. Tương tự, trong vụ cháy tòa nhà The Lancaster tại 22 Lê Thánh Tôn, quận 1 cũng khiến nhiều người đang trong tòa nhà hoảng loạn, tìm cách thoát nạn. Việc hoảng loạn lúc xảy ra hỏa hoạn là điều dễ hiểu, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm chưa đầy đủ. Anh Trần Kim Lai, sống tại tầng 4, cao ốc Phúc Thịnh, quận 5 cho biết: Tôi sống ở đây đã được hơn một năm nhưng chưa được tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như các kỹ năng thoát hiểm lần nào. Trong đợt hỏa hoạn vừa qua, tôi cũng như nhiều gia đình khác đều may mắn thoát nạn vì được hỗ trợ kịp thời.

Thực tế trên cũng diễn ra tại rất nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng khác trên địa bàn. Khảo sát nhiều người, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời tương tự. Thời gian qua, hoạt động diễn tập thoát hiểm khi có hỏa hoạn diễn ra tại các tòa nhà rất hạn chế. Thậm chí, tại một tòa nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch, trong một đợt tập huấn hiếm hoi thì các đơn vị thuê tại đây chỉ cử một vài người đi để nghe rồi về truyền đạt lại. Thử hỏi, với một hoạt động đề cao tính thực hành như thế liệu có bảo đảm được khi có sự cố, số người còn lại trong tòa nhà có đủ bình tĩnh, kiến thức để thoát hiểm an toàn? Câu hỏi này cần sự trả lời thấu đáo của các cơ quan chức năng bằng những việc làm thiết thực, thường xuyên để phòng tránh hiệu quả khi sự cố.

  • Được bơm tiền, đại gia BĐS chưa thoát cửa tử

    Được bơm tiền, đại gia BĐS chưa thoát cửa tử

    Bất cập lớn nhất của BĐS là sự mất cân đối cung - cầu trên thị trường BĐS từ quy mô, cấu trúc sản phẩm tới giá cả. Khi các DN BĐS chưa thực lòng tái cơ cấu thì có bơm tiền cũng khó cứu. <br/br>

Theo Xuân Phú (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.