Án phúc thẩm giải quyết nợ nần đã bị hủy, sau đó vụ án được đình chỉ nhưng nhà của người liên quan đã bị bán.

Ông Lê Thanh Mai, 71 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai trình bày: Ông bị kê biên, phát mại ngôi nhà chung của hai vợ chồng ông một cách oan trái nhưng giờ không biết khiếu nại ở đâu để đòi lại công bằng. Bởi ông từng gửi đơn đến TAND tỉnh Đồng Nai nhưng đã bị tòa này bác đơn, đồng thời vụ án dân sự mà vợ cũ của ông là bị đơn tòa đã đình chỉ nên ông không còn cơ hội để trình bày trước tòa nữa…

Giám đốc thẩm hủy cả bản án sơ thẩm, phúc thẩm

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Biên Hòa và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2003 đến 2007, vợ ông Mai là bà N. vay của tám người quen với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Sau đó, bà N. không còn khả năng chi trả nên những chủ nợ đã khởi kiện dân sự yêu cầu bà N. trả tiền.

Năm 2007, TAND TP Biên Hòa đưa ra xét xử. Tại tòa, bà N. trình bày bà vay tiền để lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, ông Mai khẳng định từ năm 2002 đến nay vợ chồng ông sống ly thân, việc vợ vay tiền của ai, sử dụng vào việc gì ông không được biết. TAND TP Biên Hòa đã tuyên buộc ông Mai phải liên đới chịu trách nhiệm trả số tiền mà vợ ông đã vay (trong tám bản án sơ thẩm).

Ông Mai kháng cáo nhưng TAND tỉnh Đồng Nai bác toàn bộ và giữ nguyên tám bản án sơ thẩm. Ngay sau đó, ông Mai có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Thời điểm này ông và bà N. đã ra tòa ly hôn.

Đến tháng 3-2011, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy tất cả tám bản án sơ thẩm và tám bản án phúc thẩm. Tòa này nhận định: “Cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét, làm rõ những vấn đề nêu trên mà đã căn cứ vào Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình để buộc ông Mai phải có trách nhiệm liên đới cùng bà N. trả nợ cho các nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc”.

TAND tối cao phân tích trong trường hợp này lẽ ra tòa sơ thẩm, phúc thẩm phải yêu cầu ông Mai và bà N. cung cấp tài liệu, chứng cứ, đồng thời tiến hành đối chất giữa hai bên để làm rõ các khoản nợ mà bà N. sử dụng vào mục đích gì. Nếu xác định rõ khoản nợ nhằm phục vụ nhu cầu gia đình thì dù ông Mai không biết cũng phải chịu trách nhiệm liên đới cùng bà N. trả nợ. Nếu không xác định mục đích số tiền vay thì không thể buộc ông Mai liên đới trả nợ.

Từ đó, TAND Tối cao yêu cầu xét xử lại các vụ án này theo đúng tinh thần của quyết định giám đốc thẩm.

Ông Lê Thanh Mai với những lá đơn khiếu nại đến nay chưa cơ quan nào giải quyết. Ảnh: VŨ HỘI

Vụ án đình chỉ, nhà mất

Điều bất ngờ là khi vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai thì tám nguyên đơn trong vụ án có người rút đơn khởi kiện, có người vắng mặt nhiều lần khi tòa triệu tập hợp lệ. Vì vậy, TAND TP Biên Hòa đã ra tám quyết định đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, lúc này ngôi nhà chung của ông Mai và bà N. đã bị cơ quan thi hành án bán đấu giá để thi hành án từ trước.

Trước đó, khi các bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 12-11-2008 cơ quan thi hành án đã ra quyết định kê biên tài sản bán đấu giá. Đến đầu năm 2010, ngôi nhà này bị bán đấu giá hơn 400 triệu đồng để thi hành các bản án phúc thẩm có hiệu lực.

Suốt bảy năm nay, ông Mai gửi đơn khiếu nại khắp nơi để đòi lại ngôi nhà nhưng không được.“Từ ngày ngôi nhà bị cưỡng chế thi hành án, tôi không còn nhà để ở nữa. tôi, con trai và ba cháu nội phải dọn ra ngoài thuê nhà trọ để ở” - ông Mai nói.

Sau nhiều năm gửi đơn khiếu nại, năm 2014, ông Mai nhận được văn bản trả lời của Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Lưu theo hướng bác đơn. Ông Mai tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng mong được xem xét. Tuy nhiên, đến nay vụ việc của ông vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết “Thật là vô lý, tám bản án sơ thẩm và tám bản án phúc thẩm đã bị hủy, tám vụ án dân sự đã bị đình chỉ nhưng ngôi nhà của tôi thì đã mất, tôi gửi đơn khắp nơi trong vô vọng” - ông Mai nói.

Vũ Hội (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.