Có thể là trung tâm xử lý nợ xấu, có thể là công ty xử lý nợ xấu…, nhưng dù tên gọi thế nào, thì tổ chức này cần phải đủ lực, đủ điều kiện để thực hiện được nhiệm vụ không hề dễ dàng của mình…

Có nguy cơ "mất trắng" gần 190 ngàn tỷ đồng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu của Việt Nam đến từ các khoản cho vay doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên quan đến ngân hàng (hay còn gọi là công ty sân sau của ngân hàng) và vay bất động sản. Khoản thứ hai – cho vay doanh nghiệp liên quan đến ngân hàng, tức là công ty sân sau, theo lời ông Hiếu, là “đặc thù rất Việt Nam”.

“Chính vì những khoản vay này dẫn tới sở hữu chéo, nhóm lợi ích , nên càng làm cho nợ xấu lớn hơn” – ông Hiếu nói – “Đây cũng là vấn đề gây ra bức xúc lớn”. Còn bà Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Vietinbank nhận định, đầu tư cơ bản của Nhà nước cũng là nguồn dẫn đến không ít nợ xấu – dù rằng chẳng mấy ai đề cập đến. “Doanh nghiệp nợ ngân hàng, Nhà nước lại nợ doanh nghiệp…, tạo ra một vòng luẩn quẩn” – bà Mùi nói.

Nhận định vấn đề nợ xấu hiện là vấn đề lớn và giải quyết nợ xấu là câu chuyên có yếu tố cốt lõi của nền kinh tế thời điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một khi còn nợ xấu sẽ còn dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng. “Không giải quyết được nợ xấu, không gỡ được tình trạng đóng băng tín dụng, thì doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng” – ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đưa ra một thông tin cho thấy, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng đến 82% đầu tư của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ảnh hưởng đến 30% đầu tư công từ ngân sách của Chính phủ (vì không có vốn đối ứng từ tín dụng ngân hàng không sử dụng được tiền đầu tư công), tín dụng nội địa Việt Nam cũng chiếm tới chiếm 28% FDI. “Như thế để thấy rằng đóng băng tín dụng là thảm họa thực sự” – ông Nghĩa nói.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm 2012 và khuyến nghị chính sách” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện nay, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng là 2,5 triệu tỷ đồng. Nợ xấu được công bố là 10% từ tháng 6, nhưng trên thực tế có thể cao hơn, và đến lúc này, nợ xấu ước chừng lên đến 15%, bởi nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp ngày càng làm ăn kém đi, và không ít doanh nghiệp đã từ “nợ đẹp” thành “nợ xấu”, từ “nợ xấu cấp 1” thành “nợ xấu cấp 2, 3”. “Như vậy, số nợ xấu tương đương khoảng 375 ngàn tỷ đồng” – ông Hiếu tính toán.

“Theo kinh nghiệm quốc tế, 50% số nợ xấu coi như là mất, tức là chúng ta coi như bị mất gần 190 ngàn tỷ đồng” - ông Hiếu cho biết.

3 câu hỏi cho tổ chức giải quyết nợ xấu

“Hiện, trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng là 70 ngàn tỷ đồng, như vậy, để giải quyết được chỗ nợ xấu, chúng ta còn cần phải “cứu” được ra 120 ngàn tỷ đồng nữa” – ông Hiếu nói. Số tiền này sẽ phải lấy từ việc xử lý tài sản đảm bảo. “Có người nói, khoảng 85% khoản vay có tài sản đảm bảo, mà tài sản đảm bảo giá trị bằng 135% giá trị khoản vay. Thế thì thật tuyệt vời” – ông Nguyễn Trí Hiếu hài hước – “Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Liệu có bao nhiêu ngân hàng đã tái thẩm định cho khoản vay, nhất là khi thị trường bất động sản lao dốc, và có bất động sản giờ giá trị chỉ còn khoảng 30%”.

“Mà việc xử lý nợ xấu hiện nay tự bản thân ngân hàng không làm gì được” – ông Hiếu nhận định – “Có thể nói là vô phương, bởi nhiều khoản vay là cho chính công ty con của ngân hàng vay. Không bao giờ ngân hàng đem công ty con ra tòa án kiện phá sản để xử lý nợ. Một phần vì ngân hàng không đủ tầm, một phần vì bản chất của mối quan hệ cũng khiến ngân hàng không xử lý được”.

Theo ông Hiếu, để có thể giải quyết tài sản thế chấp, cần một tổ chức “quy mô tới như Sacombank với cả ngàn người”: “Công ty xử lý nợ quốc gia, ủy ban xử lý nợ quốc qua… tên gì cũng được, nhưng theo tôi đó là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước – cơ quan nắm rõ nhất hoạt động ngân hàng. Phải giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính có nhiều năm kinh nghiệm xử lý nợ của Công ty mua bán nợ DATC, cùng sự tham gia tích cực của các B,ộ ngành, Kiểm toán, văn phòng luật sư…”.

Nhận định giải quyết nợ xấu hiện nay chịu áp lực rất lớn của xã hội lên hệ thống ngân hàng, trong đó phải giải trình minh bạch, vì thế, bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng, thành lập tổ chức xử lý nợ xấu phải giải quyết 3 câu hỏi: Có đủ quyền không?. Nguồn lực từ đâu?. Có đủ nhân sự, chuyên gia am hiểu để xử lý được vấn đề nợ xấu dứt điểm trong khoảng 3 năm?.

Theo Hoàng Thuỷ (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.