Thêm một vi phạm động trời vừa được phát hiện ở Khánh Hòa. Hơn ba năm nay, trên đỉnh Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, Công ty Cổ phần Yasaka Sài Gòn Nha Trang (gọi tắt là Công ty Yasaka Nha Trang) đã tự ý xây dựng nhiều công trình để kinh doanh du lịch.
Chi tiết hơn, tại khu vực di tích nhà làm việc của BS Yersin nằm trên đỉnh KBTTN Hòn Bà đã hình thành một khu du lịch. Nằm ở trung tâm khu du lịch này là một khu nhà hai tầng bằng gỗ rộng khoảng 100 m2, át hẳn di tích nhà làm việc của BS Yersin. Tầng dưới dùng làm nhà hàng và tầng trên làm nhà nghỉ cho du khách. Cách đó không xa, một tổ hợp nhà nghỉ bằng gỗ, lợp tôn nằm dưới tán cây cũng được xây dựng xong.
Cũng trong khu di tích, Công ty Yasaka Nha Trang cho xây hai hồ chứa nước rộng hơn 60 m2. Ngoài ra, dọc hai bên đường đến khu nhà nghỉ trên có ba khu đất đã bị vạt hết cây rừng và tráng nền bằng xi măng làm nơi cho du khách cắm trại…
Đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt mà có khu nhà du lịch trái phép thì mười mươi là vi phạm pháp luật. Cách nhìn nhận và xử lý sai phạm của chính quyền sở tại còn khiến dư luận thắc mắc đằng sau đó là cái gì?
Có thể nhận thấy ở đây có dấu hiệu của ba vi phạm. Gồm có: Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và bảo tồn thiên nhiên; vi phạm về xây dựng (cụ thể là xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng). Thế nhưng như ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM thì UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ mới xử phạt Công ty Yasaka Nha Trang 125 triệu đồng về vi phạm thứ hai. Vậy hai vi phạm còn lại thì sao, tỉnh đã xử lý chưa, xử lý thế nào và nếu chưa thì tại sao chưa?
Theo thông tin mới nhất từ báo Người Lao Động, ngày 1-4, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra khu du lịch trái phép trên. Bước đầu, ông Kiệt khẳng định không có cây rừng nào bị chặt hạ như báo chí phản ánh. Đối với các công trình nhà sàn, bungalow của khu du lịch, từ chỗ cho rằng “nó cũng đâu có kiên cố, làm bằng gỗ, có thể dỡ bất cứ lúc nào”, “không có ảnh hưởng gì mấy”…, ông cho biết đoàn kiểm tra sẽ đề xuất cho giữ nguyên nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Chưa rõ UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ quyết định thế nào nhưng có thể thấy pháp luật đang bị đùa cợt trong vụ việc này. Đầu tiên, các quy định về quản lý rừng, xây dựng, bảo vệ môi trường đều không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tuân thủ. Tiếp nữa, trách nhiệm thực thi công vụ của Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở NN&PTNT… đã không được đảm bảo. Không có lý do nào để cho phép những người đứng đầu các cơ quan này không nắm được vụ việc. Thế mà một vi phạm to đùng đã không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tại thời điểm này, lẽ ra phải xem xét, tính cách xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật (nhất là khi tổng giám đốc Công ty Yasaka Nha Trang đã mở lời “chỉ xây những công trình tạm, nếu tỉnh lấy lại thì chúng tôi khiêng đi!”) thì vị trưởng đoàn kiểm tra của tỉnh lại có những dự kiến như thể muốn xếp lại vụ việc cho rồi. Ông nói là “nghị định cho phép” nhưng nghị định cụ thể nào chấp thuận một khu du lịch trái phép như thế được tồn tại trên đất rừng? Cơ sở nào để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục liên quan như gợi ý lần nữa của ông (vì trước đây tỉnh đã hai lần có yêu cầu tương tự) khi chính tổng giám đốc ấy thừa nhận “sẽ không làm được vì đó là rừng đặc dụng nên không ai cấp phép” và đã xây lụi?
Xem ra vi phạm tồn tại dai dẳng chính từ những hạn chế về năng lực quản lý và cả về sự am hiểu pháp luật của những người có chức quyền. “Ai chạy? Chạy ai?” và có ai sẽ phải bị thay thế do để xảy ra cớ sự đang là câu hỏi của rất nhiều người nhưng vấn đề là địa phương có muốn tìm ra câu trả lời hay không.
Thu Tâm (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.