CafeLand - ADB vừa có sự điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,0% trong năm 2016 và 6,3% năm 2017. Trước đó, con số này được dự báo lần lượt là 6,7% và 6,5%.

Ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2016, đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tích cực nhưng cũng đang bị cản trở bởi một số thách thức.

Cụ thể, ADB đã có sự điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,0% trong năm 2016 và 6,3% năm 2017. Trước đó, vào hồi tháng 3, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định năm nay với tăng trưởng ở mức 6,7% và giảm nhẹ hơn vào năm 2017 với 6,5%. Theo ADB, có sự điều chỉnh này là do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm đã làm giảm nhịp độ phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tích cực trong 6 tháng cuối năm. Điều này là nhờ sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước.

Vốn FDI cam kết trong 8 tháng đầu năm 2016 tăng 7,7%, đạt khoảng 14,4 tỷ USD. Phần lớn khoản đầu tư này hướng đến các lĩnh vực như sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử và các sản phẩm khác, tạo ra sự gia tăng đáng kể trong sản xuất và xuất khẩu. Một loạt các hiệp định thương mại, đầu tư quốc tế và song phương được ký kết của Việt Nam trong 2 năm qua cũng sẽ dần giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và mở rộng với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia cũng khiến kinh tế tích cực hơn.

Dù vậy, báo cáo của ADB cũng chỉ ra một số thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Đó là các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh cho vay gây áp lực cho nỗ lực thắt chặt quy định nhằm ngăn chặn sự gia tăng các rủi ro của khu vực tài chính. Những nỗ lực này sẽ được hỗ trợ bởi việc áp dụng dần dần các tiêu chuẩn điều tiết khắt khe hơn đó là áp dụng Basel II trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp Chính phủ hạn chế được rủi ro trong các hoạt động cho vay vốn lớn như bất động sản và thế chấp.

Nợ công cũng là vấn đề được ADB nhấn mạnh. Tỷ lệ chi hành chính trên tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức trung bình 8% trong giai đoạn 2007-2009 lên tới 11% trong giai đoạn 2013-2016. Do đó, tăng cường thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu không cần thiết sẽ rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.