Khế ước nhà đất tại TP HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác cùng với trái phiếu, 211 ôtô của Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang đang bị Ngân hàng Xây dựng (CB) nhận thế chấp từng được định giá hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm khoảng 98%.

Theo thống kê dư nợ cho vay của Ngân hàng CB vào năm 2013 có đóng dấu mộc và chữ ký của các cán bộ cấp cao thời điểm đó là ông Phan Thanh Mai, Phạm Văn Thường, Lê Hoàng Minh, có 3 nhóm danh mục tài sản Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang và đối tác thế chấp tại nhà băng này.

Cụ thể, 39 danh mục tài sản là khế ước đất tại Đà Nẵng (quận Sơn Trà, Liên Chiểu), TP HCM (quận 1, 2, 3, 7, Thủ Đức), Long An, Bình Định và Quảng Nam, được xác định trị giá 10.661 tỷ đồng. Nhóm tài sản thế chấp là ôtô ghi nhận 211 chiếc, giá trị 239 tỷ đồng. Danh mục tài sản thế chấp cuối cùng trong hồ sơ này là trái phiếu của các dự án (cũng là bất động sản) tại TP HCM trị giá hơn 3.335 tỷ. Như vậy, theo hồ sơ xử lý thu hồi nợ của Ngân hàng CB thực hiện năm 2013, tổng giá trị tài sản thế chấp của Phương Trang ước tính 14.236 tỷ đồng, số tiền vay đảm bảo là 9.437 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong các hồ sơ làm việc giữa nhà băng và doanh nghiệp, Phương Trang một mực khẳng định chỉ được giải ngân và nhận khoản tiền vay là 3.436 tỷ đồng trên tổng số ghi nợ là 9.437 tỷ đồng. Theo đơn thư cầu cứu của doanh nghiệp gửi lên Chính phủ liên tục từ năm 2012 đến năm 2014, Phương Trang tố Ngân hàng Đại Tín (tên trước đây của Ngân hàng CB) đã không giải ngân hợp đồng mua bán trái phiếu, hợp đồng vay và gian dối ghi dư nợ đối với hợp đồng đã tất toán cho doanh nghiệp. Công ty này cũng tố cáo ngân hàng chiếm giữ trái phép tài sản thế chấp của mình.

Dự án New Pearl đình đám một thời của Phương Trang tại TP HCM được chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào năm 2013 với giá trị 20 triệu USD khi mới xây đến tầng thứ 2.

Trong biên bản đối chiếu nợ vay của Ngân hàng CB và Phương Trang cùng các đối tác thực hiện tháng 12/2014, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang, Phạm Đăng Quan cho biết, theo yêu cầu và hướng dẫn của ngân hàng, doanh nghiệp phải ký và giao trước các chứng từ gồm: séc tiền mặt, uỷ nhiệm chi, bảng kê tiền, phiếu lĩnh tiền mặt cho CB. Song, có nhiều nhóm tài sản thế chấp ngân hàng không xuất trả tiền như các chứng từ đã ký.

Sang năm 2015, CB và Phương Trang tiếp tục có buổi làm việc vào ngày 19/10 trước sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An và đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46). Phía CB tiếp tục bảo lưu quan điểm Phương Trang còn dư nợ gốc 9.437 tỷ đồng trên tổng số 9.469 tỷ đồng số tiền đã giải ngân.

Trong khi đó, Phương Trang cho biết, trong 9.469 tỷ đồng ngân hàng đã giải ngân của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu mà nhà băng công bố, doanh nghiệp thực chất chỉ được nhận hơn 758 tỷ đồng tiền mặt, số còn lại 8.710 tỷ đồng công ty không được nhận. Tương tự, trong 6.137 tỷ đồng Ngân hàng CB công bố đã giải ngân của 29 khoản vay, Phương Trang chỉ thực nhận hơn 2.677 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, đối với 7 khoản vay CB tuyên bố đã giải ngân 880 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng cho hay không được nhận.

Sang năm 2016, diễn biến vụ việc tiếp tục bị đẩy lên cấp độ căng thẳng hơn. Tháng 5/2016 CB có công văn đề nghị Phương Trang đưa ra lộ trình hoán đổi một số tài sản đang thế chấp. Tuy nhiên, trái với đề xuất của doanh nghiệp từ trước đó, mong muốn hoán đổi toàn bộ khoản nợ 3.400 tỷ đồng sang sổ tiết kiệm để rút tài sản về thì CB chỉ tính đến việc hoán đổi 211 ôtô bằng sổ tiết kiệm.

Đến ngày 7/6/2016, Ngân hàng CB đã phát công văn thông báo với Phương Trang về hướng xử lý mới cho vụ việc. Công văn nêu, vì nhiều lý do khách quan, đến nay việc xử lý các khoản nợ vẫn chưa đạt được hiệu quả nên CB khởi kiện khách hàng ra toà, cũng là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của CB, đồng thời sớm thu hồi vốn của Nhà nước.

Sự bất nhất về dư nợ và số tiền vay thực nhận giữa Ngân hàng Xây dựng và Phương Trang cũng như giải pháp xử lý tài sản thế chấp đã kéo dài từ năm 2012, hiện tiếp tục chờ hướng xử lý của đôi bên vào buổi làm việc ngày 14/6 tới.

Ngày 7/6, Ngân hàng Xây dựng (CB) phát đi thông cáo tiến hành khởi kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang trả 3.000 tỷ đồng nợ xấu phát sinh từ ngân hàng "tiền nhiệm". 3.000 tỷ đồng nợ xấu này liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Xe khách Phương Trang (giai đoạn vay 2010-2011 dưới thời Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), được nhà băng khởi kiện từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015. Đồng thời CB cho biết, từ nay đến hết năm 2016 sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.

Ngay sau thông cáo của CB, Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cũng đã có văn bản phản pháo chính nhà băng đã im lặng trước đề nghị xử lý nợ của doanh nghiệp, khiến khối tài sản trị giá 14.500 tỷ đồng của công ty nằm "chết" từ năm 2012 đến nay.

Hà Thanh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.