Để bảo vệ an toàn cho Vườn quốc gia Cát Bà, từ những năm 2006-2007, TP Hải Phòng đã có dự án di chuyển 54 hộ dân trong đó có 31 hộ là công nhân của Lâm trường Cát Bà ra khỏi vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Bà. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án tái định cư trị giá 42 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” nằm đó. 54 hộ dân đang phải sống trong những căn nhà xập xệ và mong ngóng ngày được... tái định cư tại nơi ở mới.

Khu tái định cư không có công trình phụ…

Theo UBND huyện Cát Hải, Khu dân cư Vườn quốc gia Cát Bà có 54 hộ dân với gần 200 nhân khẩu sống trong hai dãy tập thể cũ nát từ năm 1971. Cho tới đầu năm 2006, các hộ được Vườn quốc gia và chính quyền địa phương thông báo họ phải di dời, nhường lại nơi ở để làm khu bảo tồn rừng. Nơi ở mới là khu Khe Sâu, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải cách đó vài cây số. Đến năm 2008, khu tái định cư mới được xây dựng và 2 năm sau, dân khu Vườn quốc gia được UBND huyện cùng Ban quản lý dự án mời ra thăm nơi ở mới và làm thủ tục bốc thăm nhận nhà. Thế nhưng, tất cả các hộ dân khi được mục sở thị khu... tái định cư mới của họ đều tá hỏa và thất vọng.

Ông Nguyễn Văn Viêm, 78 tuổi, một trong số cư dân của 54 hộ nói trên cho biết, ông bốc được căn hộ số 25 nhưng khi vào xem mới phát hiện ra nhà không có bếp, không có nơi vệ sinh. Hệ thống cống thoát nước thải lại cao hơn nhà nên nước chảy ngược vào trong. Ông Viêm và bà con chất vấn cán bộ dự án tại sao nhà chỉ có nơi ở mà không có công trình phụ, dân sống thế nào nhưng không được ai trả lời. Không riêng ông Viêm, các hộ dân bốc thăm xong đều lắc đầu từ chối nhận nhà và những căn hộ mới nói trên với tổng trị giá 42 tỷ đồng cứ vậy “đắp chiếu”, đóng cửa im ỉm phơi nắng mưa. Các hộ dân không còn cách nào đành lại quay về sống tạm trong những căn nhà cũ, nhờ vào vườn rừng và bán hàng cho khách du lịch. Nhiều hộ còn rất lo lắng về nơi ở mới không có đất trồng cấy, không biết sống bằng gì. Đó là chưa kể mối lo phải đóng 106 triệu đồng tiền sử dụng đất, trong khi đa số là những hộ nghèo.

Cũng theo bà con, khi nhận được chủ trương di dời ra khỏi rừng, các gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua kể từ khi nhận được thông báo sẽ được ra khỏi rừng nhưng khu nhà tái định cư của họ vẫn chưa thấy chuyển biến trong khi nơi ở cũ không được tôn tạo, bị xuống cấp, dột nát. Mỗi khi trời mưa bão, lo sợ nhà bị sập, các hộ dân đành phải di chuyển cả gia đình đi “lánh nạn” trên hội trường của Vườn quốc gia Cát Bà. Riêng 31 hộ dân nguyên là công nhân Lâm trường Cát Bà còn tỏ thái độ không đồng tình với việc phải di dời chỗ ở nhưng không được bồi thường, hỗ trợ công sức của người dân trong việc bảo vệ rừng trước khi di chuyển đến chỗ ở mới.

Dự án tái định cư “đắp chiếu” do sai sót trong thiết kế và thi công.

Còn phải “bám rừng” đến bao giờ?

Được biết, Dự án tái định cư Khe Sâu được UBND TP Hải Phòng giao cho Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư (được phê duyệt lần đầu năm 2006) với vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng. Đến 2008, thành phố đã điều chỉnh, nâng mức đầu tư lên gần 33 tỷ đồng. Năm 2012, dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng 54 căn nhà xây xong trong tình trạng như đã phản ánh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, năm 2010, dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng do có nhiều sai sót như người dân phản ánh nên chưa thể đưa vào sử dụng. Đặc biệt, trạm điện xây dựng sai so với thiết kế được phê duyệt, nguồn nước sạch cho dân chưa có. Các gói thầu xây lắp chính đến nay đều chưa có hồ sơ quyết toán nên vẫn chưa thể bàn giao cho người sử dụng. Cho đến đầu năm 2011, sau khi tiến hành kiểm tra dự án, UBND TP Hải Phòng đã lần nữa phải quyết định tăng mức đầu tư từ gần 33 tỷ đồng lên thành hơn 42 tỷ đồng để khắc phục những hậu quả nói trên. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước thiết kế không phù hợp với đáy nông lòng hẹp cần phá bỏ làm lại thì lại... thiếu vốn chưa thể triển khai. Nguồn vốn ngân sách chi cho dự án là hơn 15 tỷ đồng nhưng đến nay mới cấp 4 tỷ đồng nên nhà thầu đành dừng lại... chờ tiền. Chủ đầu tư đang cố gắng thúc đẩy nhà thầu triển khai.

Có thể thấy, dự án di dân khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà là dự án cấp thiết song việc triển khai lại hết sức chậm và có nhiều sai sót. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng - ông Bùi Trọng Tuấn cho rằng, những sai phạm trong dự án đã khiến việc di dân ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà bị chậm nhiều năm so với kế hoạch. Trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý chủ đầu tư. Sở sẽ xem xét và kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Để kết thúc, dự án đang còn cần khoảng 12 tỉ đồng nhưng trong năm 2012, TP Hải Phòng chỉ có thể “rót” khoảng 2 tỉ đồng cho các hạng mục dở dang. Do đó, 54 hộ dân vẫn phải tiếp tục “bám rừng” chờ đợi.

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.