Từ chứng cứ, người làm chứng, xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cho đến những phán quyết… đều khẳng định nhà đất được cụ Vang cho ông Hiếu mượn. Nhưng việc đòi nhà đất này đã kéo dài tới 37 năm.

Mượn nhưng không trả

Theo hồ sơ vụ án, trước khi mất, cụ Nguyễn Duy Tấn, lập bức san thư để lại cho cụ Nguyễn Duy Hiển và cụ Nguyễn Duy Vang mảnh đất số 29F 16U 2682 diện tích 309m2, và được chính quyền địa phương xác nhận năm 1942.

Khoảng năm 1954-1955, thấy ông Nguyễn Duy Hiếu khó khăn về nhà ở nên cụ Vang cho ở nhờ và chuyển về 19 phố Đại La (nay thuộc phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) sinh sống. Năm 1975, cụ Vang bán nhà 19 Đại La, quay về đòi nhà đất nhưng ông Hiếu không trả. Cụ Vang phải vào TPHCM sống với hai con gái là bà Nguyễn Thị Xuân và bà Nguyễn Thị Hạ.

Năm 1994, cụ Vang mất. Đến năm 1997, bà Hạ và bà Xuân là hai đồng thừa kế hợp pháp diện tích 309m2 của cụ Vang đã tiếp tục về yêu cầu ông Hiếu trả lại nhà đất đã mượn, nhưng ông Hiếu vẫn không trả.

Bà Xuân, bà Hạ, trú tại TPHCM khởi kiện ra tòa. Các bản án tuyên buộc ông Hiếu phải trả lại nhà đất đã mượn, nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Trả lời TAND quận Hai Bà Trưng về nguồn gốc diện tích 309m2 nêu trên tại Công văn số 234/CV-TT năm 2002 và Công văn số 201/CV-TTLT năm 2003, Trung tâm lưu trữ, Sở Địa chính nhà đất Hà Nội khẳng định: “Mảnh đất số 29, tờ bản đồ số 16 đứng tên thừa kế cụ Nguyễn Duy Vang và cụ Nguyễn Duy Hiển”.

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện việc ông Hiếu mượn nhà đất với nhiều nhân chứng. Ngay bà Nguyễn Thị Bản, em gái ông Hiếu trình bày với Tòa ngày 31-3-2004, cũng khẳng định ông Hiếu mượn đất của cụ Vang năm 1954. Nhiều nhân chứng khác cũng có Bút lục tại Tòa khẳng định điều này.

Trong các bản án đều nhận định: Nhà đất do ông Hiếu mượn của cụ Vang. Còn phía bị đơn không chứng minh được điều ngược lại. Đến ngày 19-12-2006, tại bản án phúc thẩm, Tòa Dân sự TP Hà Nội tuyên buộc gia đình ông Hiếu phải trả lại phần đất trên cho các đồng thừa kế của cụ Vang, cụ Hiển. Nhưng hộ ông Hiếu không chấp hành.

Ông Vũ Đức Quang thay mặt nguyên đơn kiện đòi nhà đất cho mượn đã gần 20 năm nay. Ảnh: Quang Minh

Người mượn lại được chia phần nhiều hơn?

Năm 2006, VKSND Tối cao có Kháng nghị số 140/QĐ-KN-GĐT đối với bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 19-12-2006, sau đó TAND quận Hoàng Mai tuyên bác đơn kiện của nguyên đơn với lý do nguyên đơn trình bày việc cho mượn khác so với giấy tờ được bị đơn đã lấy ở Phòng Hồ sơ cảnh sát CATP Hà Nội. Tuy nhiên, tài liệu này sau đó được CATP kết luận là giả mạo.

Năm 2009, trong bản án dân sự phúc thẩm số 236/2009/DSPT của TAND TP Hà Nội, tuyên ông Hiếu được hưởng 205,46m2 chỉ phải trả lại 102,44m2. Không đồng tình, nguyên đơn kháng cáo, yêu cầu ông Hiếu phải trả lại toàn bộ. Ngày 7-9-2012, TAND Tối cao có Quyết định số 380/2012/DS-KN kháng nghị đối với bản án số 236/2009.

“Với các chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định nhà đất tranh chấp có nhà của cụ Vang để lại, ông Hiếu vào ở trên đất cụ Vang là giao dịch ở nhờ nhà đất trước 1-7-1991. Lẽ ra, phải căn cứ Nghị Quyết số 58 của Quốc hội để xem xét việc khởi kiện của nguyên đơn về việc cho ở nhờ nhà đất để buộc trả lại theo quy định” - Kháng nghị số 380, chỉ rõ.

Kháng nghị 380 nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều xác định đất tranh chấp của cụ Hiển, cụ Vang; Tòa cấp sơ thẩm cho rằng trên đất không có nhà nên ông Hiếu vào ở, đây không thuộc giao ở nhờ nhà để áp dụng theo Nghị Quyết 58 nên bác yêu cầu của nguyên đơn. Còn Tòa án cấp phúc thẩm xác định trên đất cụ Vang có nhà, ông Hiếu chỉ ở nhờ, nhưng lại trích công sức cho ông Hiếu được hưởng bằng 2/3 diện tích đất, chỉ buộc trả lại nguyên đơn 1/3 diện tích đất là chưa đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn”.

Sau đó, tại Quyết định Giám đốc thẩm số 616/2012/DS-GĐT ngày 28-11-2012, Tòa Dân sự TAND Tối cao quyết định: “Hủy toàn bộ hai bản án dân sự phúc thẩm số 236 ngày 14-9-2009 của TAND TP Hà Nội và dân sự sơ thẩm số 12 ngày 24-10-2007 của TAND quận Hoàng Mai. Giao vụ án cho TAND quận Hoàng Mai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Sau Kháng nghị và Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Tối cao, tưởng như mọi việc đã đi đúng theo tinh thần cải cách Tư pháp, chấm dứt hàng chục năm trời khiếu kiện mòn mỏi của các nguyên đơn, trong các ngày 26, 27-9-2013, TAND quận Hoàng Mai đưa vụ án ra xử sơ thẩm.

Cùng nhận định nhà đất được cụ Vang cho ông Hiếu mượn, Tòa dân sự quận Hoàng Mai tuyên buộc ông Hiếu phải trả lại nhà đất, tuy nhiên lại trích công sức tới 142m2 trong tổng diện tích 309m2, nay có địa chỉ số 21, ngõ 169 đường Hoàng Mai, tổ 21 Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội mà ông Hiếu đã mượn. Còn các đồng thừa kế của cụ Vang chỉ được nhận lại 168,19m2.

Không đồng tình, ông Vũ Đức Quang, trú tại 31, ngõ 169 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thừa ủy quyền của các nguyên đơn, kháng cáo.

Theo ông Quang, vụ án được xác định là giao dịch nhà đất cho ở nhờ lập trước ngày 1-7-1991, Tòa áp dụng Nghị quyết 58 năm 1998 của UBTV Quốc hội để giải quyết. Song lại tính trả công sức trông nom, cải tạo khối tài sản đang tranh chấp cho ông Hiếu bằng 1/3 diện tích nhà đất cụ Vang đã cho mượn là không công bằng và không đúng với tinh thần Nghị quyết 58 và các văn bản hướng dẫn.

“Đề nghị TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, sửa bản án tuyên trả lại toàn bộ diện tích nhà đất cho các thừa kế của cụ Vang, cụ Hiển theo đúng Nghị quyết 58 và các hướng dẫn theo tinh thần cải cách Tư pháp” - ông Vũ Đức Quang, thừa ủy quyền nguyên đơn, trình bày trong đơn kháng cáo gửi TAND TP Hà Nội.

Quang Minh (Pháp luật&Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.