"Đưa gói hỗ trợ 30.000 tỷ về ngân hàng thì họ sẽ “vẽ” ra thủ tục này kia, chúng ta không vay được đâu, đừng có trông chờ, nó như món xương gà chiên bơ, ngửi thì thơm ngon nhưng không ăn được đâu”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.

Rất nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn đã được các doanh nhân TP.HCM gửi đến Chủ tịch nước, đoàn đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc vào chiều ngày 25/6, trong đó phần lớn là ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).


“Thơm ngon nhưng không ăn được đâu”

Theo ông Nguyễn Phụng Thiều – Tổng giám đốc công ty địa ốc Sài Gòn – Gia Định thì, nguyên nhân dẫn đến việc rất ít người có thu nhập thấp được vay tiền mua nhà xã hội là vì “chúng ta chưa định nghĩa thu nhập thấp, trong khi có rất nhiều người không chứng minh được thu nhập như lái xe ôm, bán hàng rong... nên các ngân hàng không cho vay”.

Chính vì thế ông Thiều đề nghị cho phép người dân được dùng chính hồ sơ căn nhà mình đã mua (mới trả 30%) để thế chấp với ngân hàng vay tiền, và cho rằng “nếu Chính phủ có công văn chỉ đạo thì việc này sẽ được giải quyết ngay”.

“Tôi xin đảm bảo rằng họ không trả tôi sẽ trả, bởi tôi đã từng bán 1000 căn hộ cho người nghèo và 100% đều trả hết, thậm chí là trả trước thời hạn, chúng ta phải có lòng tin” – ông Thiều quả quyết.

Rất nhiều ý kiến thẳng thắn đã được gửi đến Chủ tịch nước trong buổi tiếp xúc (trong ảnh là ông Nguyễn Văn Đực - Phó CT Hiệp hội BĐS TP.HCM)

Cũng liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỉ, ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệpTP.HCM cho rằng nên phân số tiền này về địa phương: “Chia cụ thể TP.HCM bao nhiêu, Hà Nội bao nhiêu, các tỉnh khác bao nhiêu thì sẽ ít sai sót hơn. Nếu đưa về ngân hàng thì họ sẽ “vẽ” ra thủ tục này kia, chúng ta không vay được đâu, đừng có trông chờ, nó như món xương gà chiên bơ, ngửi thì thơm ngon nhưng không ăn được đâu”.

Với những khó khăn về vốn của các danh nghiệp BĐS, ông Trần Văn Thành nếu kiến nghị để chủ đầu tư được vay tư nhân và thế chấp quyền sử dụng đất cho tư nhân với lãi suất thỏa thuận (mức lãi suất này không vi phạm các quy định hiện hành).

“Nếu được như vậy, chủ đầu tư có thể tìm được nguồn vốn từ chính bạn bè của mình, điều này không chỉ giảm nợ xấu cho các ngân hàng mà ngay cả người cho vay cũng sẽ có được những lợi ích tương tự với các ngân hàng” – ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Bùi Anh Viên – Giám đốc công ty xây dựng Đại Lợi “xin cho doanh nghiệp được thế chấp tài sản trong dự án treo để tạo vốn, vì đây là số tiền khổng lồ nhưng hiện không sử dụng được”.

Về mức giá căn hộ hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng thủ tục xây dựng nhà đất hiện nay quá nhiêu khê, “Chất lượng công trình phụ thuộc vào năng lực, sự quản lý của doanh nghiệp chứ không phải do thủ tục nhiều hay ít, càng nhiều thủ tục thì càng tham nhũng, lãng phí từ đó giá nhà sẽ càng tăng. Nhà nước đòi doanh nghiệp giảm giá bán thì doanh nghiệp chúng tôi đòi nhà nước phải giảm thủ tục” – ông Đực phát biểu.

Bên cạnh đó một số ý kiến chất vấn, kiến nghị liên quan đến lãi suất ngân hàng, chính sách về vàng miếng, cơ khí, nông nghiệp cũng đã được nhiều vị gửi đến Chủ tịch Trương Tấn Sang.

“Trước khi trời cứu phải tự cứu”

Nhắc lại câu nói trên của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Trương Tấn Sang muốn nhắc nhở các doanh nghiệp, trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay các doanh nhân TP.HCM càng cần phải phát huy sự sáng tạo của mình.

Doanh nhân TP.HCM gửi gắm tâm tư nguyện vọng tới Chủ tịch nước sau buổi tiếp xúc

“Thành phố này rất ít khi xin TW bởi thành phố luôn rất năng động, chính địa kinh tế đã tạo ra những con người như vậy” – Chủ tịch nước nhấn mạnh, và đề nghị: “Các doanh nhân hãy phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp phải dũng cảm lên”.

Để làm được điều này Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng: “Các hiệp hội chuyên ngành phải hoạt động tích cực hơn nữa, không phân biệt TW, địa phương, quốc doanh, ngoài quốc doanh mà phải cùng nhau sáng tạo thì nhất định sẽ có lối ra”.

“Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cũng phải ngồi lại cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cái nào dễ làm trước, khó làm sau. Phải cùng nhau tính toán, vì nếu doanh nghiệp chết thì các ngân hàng cũng chết bởi đó là mối quan hệ cộng sinh (…) qua đây cũng sẽ góp thêm cho TW rất nhiều giải pháp, sáng kiến” – Chủ tịch nước kỳ vọng.

Nguyễn Cường (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.