Gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở với lãi suất 6%/năm dành cho người thu nhập thấp đã được triển khai 4 tháng, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa đáng kể. Trong khi đó, muốn giải quyết vướng mắc cần phải có thời gian và phải tạo sự đồng điệu cung cầu.

Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai cho vay (tháng 6) tới ngày 20-9, 5 NHTM đã cam kết cho vay 510 khách hàng cá nhân với số tiền 172 tỷ đồng, đã giải ngân cho 494 khách hàng với số tiền 115 tỷ đồng.

Đến nay cũng đã có 4 doanh nghiệp được ký hợp đồng tín dụng với số tiền 748 tỷ đồng, giải ngân được 44,46 tỷ đồng. Các con số trên cho thấy gói 30.000 tỷ đồng đang giải ngân rất chậm. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng lý giải rằng gói 30.000 tỷ đồng cho vay để tăng cầu về kinh tế, hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, thuê mua và thuê nhà, không phải để hỗ trợ thị trường bất động sản.

Vì thế không thể giải ngân nhanh mà phải thực hiện từ từ, hướng đến đúng đối tượng và trong năm nay nếu giải ngân được 5.000 tỷ đồng là đáp ứng yêu cầu. Bộ Xây dựng cũng cho rằng dường như các NHTM đang rụt rè trong việc triển khai cho vay theo gói tín dụng ưu đãi này.

Tuy nhiên, trên thực tế các NHTM đã cởi mở cho vay đối với gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng do trước đây, doanh nghiệp chỉ xây dựng nhà ở thương mại cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao nên số lượng nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 khá hạn chế. Số lượng người tìm được dự án phù hợp với điều kiện không nhiều.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra danh sách gần 60 dự án để người có thu nhập thấp có thể liên hệ vay mua nhà theo gói tín dụng ưu đãi này. Song phần lớn danh mục các dự án nhà ở xã hội còn đang trong quá trình hoàn thiện hoặc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang. Trong đó nhiều dự án chưa hoàn thiện nên các NHTM cũng chỉ mới cam kết cho vay, chưa thể giải ngân được.

Hơn nữa, hiện nay việc công chứng các hợp đồng giao dịch tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay với các đối tượng được vay mua nhà ở xã hội vẫn chưa được Bộ Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, các điều kiện vay vốn liên quan tới quy định về địa giới hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình chưa có nhà ở; quy trình xác định diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình trên địa bàn xã, phường của chính quyền địa phương; phương pháp xác định các thành viên trong hộ gia đình thuộc đối tượng cho vay… đến nay vẫn chưa đồng bộ để các NHTM và địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phần lớn những ách tắc của gói 30.000 tỷ đồng trong quá trình triển khai là do phía Bộ Xây dựng. Bởi Thông tư 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định đối tượng và điều kiện vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Bộ Xây dựng quá nhiêu khê về thủ tục.

Với gói tín dụng này, NHNN đã đảm bảo 3 vấn đề: có 30.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho các NHTM cho vay; cho vay với lãi suất 6%/năm; thời hạn cho vay đối với các đối tượng đủ điều kiện là 10 năm. Dù NHTM cho vay cũng xét duyệt kỹ để tránh rủi ro, nhưng thực tế vẫn có nhiều đối tượng đáp ứng được điều kiện của NHTM nhưng không vay được do thủ tục hành chính có quá nhiều quy định khó đáp ứng. Do vậy, Bộ Xây dựng nên sửa Thông tư 07 theo tinh thần bớt đi quy định chứng quá nhiều loại giấy tờ.

Ngoài ra, ông Lịch cho rằng gói 30.000 tỷ đồng bị tắc còn do thị trường và nhu cầu không đúng. Đối tượng mua nhà ở xã hội được quy định hiện nay thực tế là những đối tượng không có khả năng mua, không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định nên không thể tính toán trả được nợ, tức cung và cầu không gặp nhau.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng cần kiểm tra, kiểm soát, đưa ra các quy hoạch chiến lược, cơ cấu hàng hóa hợp lý để tránh tình trạng xây nhà ở xã hội tràn lan.

Yên Lam (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.