Hết tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ ở mức 7,18%. Đến ngày 24/12, tại cuộc họp Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thông tin tín dụng đến 24/12 tăng 9,5%. Vài ngày sau, tại hội nghị toàn ngành ngân hàng tại Tp.HCM, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến 27/12/2013, tín dụng đã tăng trên 11%.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng sẽ tăng 12-14% để đảm bảo tăng trưởng GDP và lạm phát như mục tiêu đề ra.

Để có thêm góc nhìn đa chiều, chuyên mục “Góc nhìn của tôi" kỳ này, VnEconomy tiếp tục giới thiệu phần dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2014 của 16 người, trong đó có 11 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.

Từ 8% đến 15%...


Kết quả cuộc khảo sát cho thấy nhiều sự lựa chọn khác nhau, thể hiện không có nhiều sự tương đồng như dự báo GDP. CPI hay tỷ giá USD/VND trước đó.

TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tín dụng năm 2014 tăng 15% mới hợp lý, còn TS.Võ Trí Thành đưa ra con số 14-15%. Đây là hai con số cao nhất về tín dụng kỳ vọng trong cuộc khảo sát của VnEconomy.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy có 3 người (GS.TS Trần Thọ Đạt, TS.Cao Sỹ Kiêm và ông Đỗ Minh Phú) cho rằng tín dụng năm 2014 tăng khoảng 14% là hợp lý.

Phản hồi với VnEconomy trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố định hướng mức tín dụng 12-14%, TS.Nguyễn Đức Thành cho rằng, tín dụng năm nay cần tăng 12-14% thì mới hợp lý. Tương tự, TS.Vũ Nhữ Thăng cũng đưa ra con số tín dụng kỳ vọng như mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước.

Riêng TS. Lê Anh Tuấn chọn phương án tín dụng năm 2014 nên tăng 13% là hợp lý.

Trong khi đó, TS.Quách Mạnh Hào, ông Nguyễn Thành Long và ông Lê Phước Vũ lại chọn phương án tín dụng tăng 12% là hợp lý. TS.Nguyễn Trí Hiếu chọn phương án tín dụng tăng 11-12%.

Như vậy, có 10 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, chiếm 62,5% số người được hỏi, cho rằng tín dụng tăng trong khoảng 12-14% năm 2014 là hợp lý, tương đương mức định hướng Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Ở kết quả còn lại, TS.Vũ Đình Ánh, TS.Lê Đăng Doanh, ông Mai Hữu Tín thì chọn phương án tín dụng năm nay tăng 10% là hợp lý.

Đáng chú ý, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chỉ kỳ vọng tín dụng tăng 8% năm nay.

Kết quả cuộc khảo sát này tiếp tục cho thấy, đa số đại doanh nghiệp nhìn nhận khá thận trọng khi đưa ra dự báo tín dụng, cũng như dự báo GDP, CPI trước đó. Cụ thể, 4/5 đại diện doanh nghiệp cho rằng tín dụng năm 2014 tăng 8-12% là hợp lý. Còn đa số chuyên gia cho rằng, tín dụng năm nay tăng 12-15% là phù hợp.

Bao nhiêu là hợp lý?

Là người chọn mức tín dụng mục tiêu cao nhất cho năm 2014, TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), cho rằng: “tín dụng nên tăng ở mức 15% là hợp lý. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang buộc các ngân hàng thương mại bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm hỗ trợ các ngân hàng cho vay mới các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng có khả năng phát triển sẽ không phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo nợ xấu cũ”.

“Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có đề án kinh doanh tốt dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn năm 2013”, TS.Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, hiện nay doanh nghiệp vay vốn cảm thấy khó khăn chủ yếu là vì lãi suất vẫn còn cao, so với khả năng sinh lời thực tế. Điều ấy có nghĩa là chúng ta cần có một môi trường kinh doanh tốt hơn, ổn định hơn, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cần được giải quyết thực sự ...

“Vì thế, việc đẩy mạnh tín dụng không phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng nói riêng. Theo tôi, mức tăng tín dụng trong năm 2014 nên vào khoảng từ 12 - 14% là phù hợp”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Ở một góc nhìn khác, lý giải cho con số tín dụng nên tăng trong khoảng 11-12% là hợp lý, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, lập luận, mức ước đoán trên là dựa trên quan điểm: GDP mục tiêu tăng trưởng 5,8% x bội số cho tăng trưởng tín dụng tối đa 2 lần = 11,6%.

“Để đưa dòng tiền vào đúng mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng về các danh mục tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước thấy cần vốn. Hơn nữa các ngân hàng thương mại cần kiểm soát việc sử dụng vốn tín dụng để không lập lại lỗi trong quá khứ là để người đi vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích hay sử dụng cho những hoạt động kinh tế không hiệu quả và rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trong năm 2014, khi Việt Nam đã tạo sự ổn định cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7%, hệ thống ngân hàng đã được tái cơ cấu lại và trở nên lành mạnh hơn, thì lãi suất nên thả nổi, cho cả đầu ra và đầu vào.

Duy Cường (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.