Đất của mình bị thu hồi trong khi chủ đầu tư lại bỏ hoang, 77 hộ dân khu dân cư Bắc Rạch Chiếc thuộc phường Phước Long A, Phước Long B và Phước Bình, quận 9, TP.HCM đã đồng loạt kiến nghị UBND quận giám sát tiến độ thực hiện dự án các chủ đầu tư; đặc biệt là việc bàn giao 785.529m2 của dự án cho UBND TP.HCM. Người dân cũng kiến nghị huỷ bỏ dự án một khi nó bị kéo dài quá thời hạn.

Sống tạm… 10 năm


Buổi sáng, các xóm lao động thuộc tổ 7, tổ 8, phường Phước Bình xôn xao vì có người lạ tìm tới. Vài cặp mắt trong các ô cửa nhỏ nhìn ra. Ông Chu Văn Thắng, một người dân sống tại đây, dè dặt lý giải: “Dân người ta đề phòng người của chủ đầu tư đến thương lượng giá cả bồi thường. Nhiều năm nay, họ đến rỉ tai từng nhà, mỗi nhà một giá”.


Từ câu chuyện rỉ tai của chủ đầu tư, tình nghĩa xóm giềng trở nên lạnh nhạt. Ông Thắng chua chát: “Người nào cũng giấu tiền được bồi thường, ai cũng ngỡ mình được tiền cao nên im. Cách nói của chủ đầu tư bao giờ cũng là “tôi thương gia cảnh ông nên bồi thường một triệu, còn hàng xóm chỉ có 500.000 đồng/m2”.


Theo người dân, từ năm 2001 đến nay, chủ đầu tư dự án có hai đợt bồi thường. Đợt 1 giá được thoả thuận là 413.000 đồng/m2. Đợt 2 là 1.050.000 đồng/m2. Cả hai đợt dân đều không chịu nên dự án kéo dài suốt mười năm nay. Và suốt mười năm qua, các hộ dân sống trong dự án này không được sửa chữa, không được mua bán nhà cửa. Như nhà của ông Thắng, chỉ cần một cơn mưa loại “thường thường bậc trung” là đã lênh láng nước từ trong ra ngoài. Tuy nhiên, ông vẫn còn đỡ hơn rất nhiều so với những hàng xóm của ông ở phía sau. “Tôi phải đào cả nền nhà, cho ống cống chạy xuống dưới để thoát nước cho bà con”. Ông Thắng nói rồi chỉ tay sang nhà ông Trương Văn Thơm, minh hoạ cho nỗi bi đát vì chịu giá bèo của cái gọi là bồi thường.


Gọi nhà cho sang, chỗ ở của ông Thơm rúm ró như một túp lều. Gần 20 năm trước, vợ chồng ông ra riêng với gia đình và tích cóp chút tiền mua được mảnh đất 37m2, dựng tạm cái nhà rồi kiếm kế mưu sinh. Học vấn thấp, nên khi nghe có dự án và được bồi thường, ông đồng ý nhận 413.000 đồng/m2. Số tiền ấy không đủ mua nhà mới mà chỉ đủ để ông thuê trọ một thời gian. Hết tiền, chủ nhà trọ đuổi đi, bí cách ông lại quay về nền nhà cũ (vì dự án chưa làm) xin chủ đầu tư dựng tạm cái chòi 12m2.

“Mình có nhà rồi bây giờ thành vô gia cư. May mà thằng con trai trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, bớt một người, nhà cũng rộng hơn một chút. Giờ chắc không dám mơ chủ đầu tư trả thêm chút tiền vì mình thoả thuận và đi rồi”, ông Thơm giải thích.


Ông Võ Văn Kịch, một cư dân ở đây kể, mảnh đất 1.400m2 của nhà ông do cha mẹ ông cho từ hồi mới giải phóng. Gia đình thuần nông nên khi từ bỏ ruộng đồng, ông không có nghề nghiệp khác. Khi các con lớn, có gia đình riêng thì toàn bộ diện tích “dính” quy hoạch. “Cả nhà tôi sống chung nên cũng muốn bán chút đất, chia cho con mỗi đứa một cái nhà cho riêng tư nhưng người ta nói quy hoạch nên không cho. Khó khăn quá, mở cái quán càphê bán cho qua ngày cũng bị lập biên bản, bắt tháo gỡ. “Đấu tranh” lắm mới xây được hai hàng gạch làm cái quầy để càphê, nước ngọt”, ông Kịch cho biết. Sau lưng người cha này là bốn cặp vợ chồng con của ông đang tạm bợ trong những căn phòng xập xệ.


Thanh tra dự án


Trước việc đời sống của người dân quá khốn khổ vì dự án, mới đây, ông Trần Văn Lậc, trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phước Bình đã làm văn bản phản ánh đến lãnh đạo phường Phước Bình. Trong văn bản kiến nghị này, có năm vấn đề mà người dân đang phải đối mặt. Ví dụ: hạ tầng khu dân cư xuống cấp nghiêm trọng; con em họ luôn gặp khó khăn ở mỗi mùa tựu trường vì không nhập được hộ khẩu; dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở…


Khi nhận được kiến nghị này, UBND phường Phước Bình cũng chỉ biết kiến nghị lên UBND quận 9.


Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 13.9, một vị lãnh đạo phòng tài nguyên và môi trường quận 9 cho biết, tất cả những bức xúc và phản ánh của người dân lãnh đạo quận đều biết. Hiện nay, thanh tra sở Tài nguyên và môi trường đang tiến hành thanh kiểm tra việc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thực hiện tại dự án này. “Sau thanh tra, tất cả những kiến nghị, khiếu nại của dân sẽ được giải quyết triệt để”, vị này cho biết.


Còn về phía chủ đầu tư dự án, ông Mai Di Tám, giám đốc công ty cổ phần địa ốc 10, cho biết, hiện nay dự án đã bồi thường xong được 90%, và 70% hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng xong. Chủ đầu tư đang gấp rút bồi thường xong phần mặt bằng để thực hiện dự án. Sở dĩ dự án chậm là do người dân không chấp nhận giá bồi thường.

Theo Tùng Quang - Thanh Nhã (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland