Trong 10 năm qua, kể từ khi HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về cải tạo chung cư cũ, toàn thành phố mới phá dỡ, xây dựng lại được 14 công trình trong tổng số 1.516 tòa chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Cầu thang nhà C8 Giảng Võ phải chống đỡ bằng khung thép
100% cơi nới, lấn chiếm
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), Hà Nội hiện có 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Các công trình này tập trung ở 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng) với 935 công trình.
Khảo sát của Sở Xây dựng cho thấy, sau 40 năm đến 50 năm sử dụng, các hộ gia đình được phân phối nhà đã phát triển thành nhiều thế hệ. Do áp lực về diện tích ở và sự yếu kém về quản lý nên 100% các khu chung cư đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất lưu không, sân chung. Cùng đó, việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình...
Với các chung cư cũ có dạng nhà lắp ghép tấm lớn, nhiều tòa nhà bị lún nghiêng với các mức độ khác nhau (nhà A2 Ngọc Khánh, nhà A - nhà B Ngọc Khánh, E6-E7 Quỳnh Mai, A7 Giáp Lục - Tân Mai). Nhiều công trình bị thấm ẩm, rêu phong, han gỉ cốt thép, nứt vỡ bê tông (nhà B1 Giảng Võ, nhà E6- E9 Thành Công...). Các chung cư cũ có dạng nhà tường xây chịu lực xuống cấp thê thảm không kém, đặc biệt nghiêm trọng là các nhà xây thấp tầng mái ngói như khu Kim Giang, quận Thanh Xuân; khu Đức Giang, Sài Đồng, quận Long Biên… Tại một số khu chung cư cũ, tình trạng úng ngập khi mưa bão xảy ra khá thường xuyên. Các tòa nhà này phần lớn không có hệ thống phòng cháy chữa cháy...
Mất cân đối tài chính
Trước thực trạng chung cư cũ như trên, từ năm 2005, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn. Cuối năm 2005, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết trên. Tuy nhiên, tới nay, số công trình được cải tạo, xây dựng lại mới dừng ở con số 14, chiếm chưa tới 1% tổng số chung cư cũ tại Hà Nội.
Chiều 15-12, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội là quá chậm. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này là do nhiều dự án gặp khó khăn trong cân đối tài chính. Tình trạng các hộ dân đòi bồi thường cả phần diện tích lấn chiếm cũng kéo chậm tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ…
Trách nhiệm cải tạo chung cư cũ thuộc ai?
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác cải tạo chung cư tại Hà Nội dựa trên nguyên tắc xã hội hóa, không bao cấp về nhà ở. “Các dự án phải tự cân đối tài chính vì nguồn lực của Nhà nước không đủ để xây dựng lại toàn bộ chung cư cũ. Người dân là chủ sở hữu căn hộ thì phải có trách nhiệm làm lại nhà mình. Giống như người ở nhà riêng lẻ, nhà xuống cấp thì phải bỏ tiền túi ra sửa chứ sao lại là Nhà nước? Việc duy tu, bảo dưỡng cũng thế. Người dân cứ ỷ lại Nhà nước là không phải. Họ chưa thấy trách nhiệm của mình. Muốn duy trì, bảo dưỡng nhà thì người dân phải đóng tiền vào để làm.
Luật Nhà ở đã quy định như vậy”. Tuy vậy, báo cáo của chính Sở Xây dựng lại nêu: “Cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là trách nhiệm của thành phố, của các cấp chính quyền và của người dân trong khu vực”. Khi phóng viên thắc mắc, ông Nguyễn Chí Dũng nói thêm: “Nguyên tắc như tôi đã nói, còn trách nhiệm của thành phố ở đây là khâu quy hoạch, tổ chức thực hiện, thẩm định năng lực của các chủ đầu tư...”.
Về giải pháp tăng tốc cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, 20-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư (có hiệu lực từ 10-12-2015). Bộ Xây dựng đã dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định trên. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng. “Sở Xây dựng sẽ dự thảo, trình UBND TP ban hành quy định về các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của thành phố để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Thanh Nam (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.