Việc điều chỉnh theo Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, giúp các ngân hàng thương mại hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trên cơ sở đó có thể cải thiện tốt hơn về sức cầu của nền kinh tế.
Tổng giám đốc NHTM Công thương Việt Nam (Vietinbank), ông Lê Đức Thọ.
Trao đổi với BizLIVE, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Lê Đức Thọ cho rằng với những quy định mới trong Thông tư 36, về cơ bản VietinBank đều thỏa mãn các yêu cầu, thậm chí có thể vượt qua với mức độ tốt hơn.
Trong Thông tư 36 quy định giới hạn cấp tín dụng còn 5%, tỷ lệ này tại VietinBank là bao nhiêu và có ảnh hưởng tới hoạt động ngắn hạn không?

Đối với cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trước đây NHNN quy định tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đầu tư kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó. Đến nay, NHNN quy định tổng đầu tư vào kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5%. Điều khoản này cần thiết, kiểm soát tốt hơn sở hữu, nhất là sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực tốt của thế giới.

Tại VietinBank, đối tượng khách hàng rất đa dạng, trong chính sách tín dụng và đầu tư cho vay cũng tập trung nguồn vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh, trực tiếp tạo ra của cải hàng hóa cho xã hội; bám sát vào chỉ đạo của Nhà nước tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để khai thác tốt hơn lợi thế của đất nước ví dụ cho vay thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn, các ngành nghề, hoạt động sản xuất doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và FDI rất được quan tâm đầu tư, ngoài ra còn đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ. Những lĩnh vực đó chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay của VietinBank.

Đối với cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ chiếm 1% vốn điều lệ, so với giới hạn 5% thì chúng tôi đang kiểm soát tốt.
Trong Thông tư 36, NHNN nới cho tỷ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn vay trung và dài hạn lên 60% cao gấp đôi so với hiện hành. Ông đánh giá về sự thay đổi này như thế nào?

Thị trường tài chính thời gian qua có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chưa cân đối đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu còn hạn chế nên doanh nghiệp tiếp cận qua các thị trường này để tìm vốn còn giới hạn mà vẫn phụ thuộc vào nhiều NHTM.

Vì thế thời gian qua các NHNN tích cực huy động vốn trung và dài hạn nhưng vẫn phải đáp ứng vốn ngắn hạn cho vay tới doanh nghiệp, vay tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh lần này của NHNN rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, giúp NHTM hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trên cơ sở đó có thể cải thiện tốt hơn về sức cầu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, so với trước đây, quy định lần này đưa giới hạn 60% nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn tính trên cơ sở thời hạn còn lại của nguồn vốn và tài sản, cách tính này đầy đủ hơn và đáp ứng được yêu cầu quản trị thanh khoản, quản trị cân đối giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Theo tôi, NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tỉ lệ này, khi điều kiện thị trường thay đổi thì tỷ lệ này có thể thay đổi, phù hợp với quản trị của Nhà nước và yêu cầu thực tế. Hy vọng các chính sách này sẽ thúc đẩy thị trường tài chính đồng bộ hơn cân đối hơn, thị trường chứng khoán phát triển tốt hơn, các doanh nghiệp một mặt khai thác tốt hơn nguồn vốn từ thị trường này và trên cơ sở đó nâng cao năng lực tự chủ về tài chính, giảm bớt sức ép về nguồn vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó có điều kiện phát triển thị trường tài chính lành mạnh hơn.
Với những kết quả tích cực của Chính phủ và NHNN trong kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự báo sẽ không vượt quá 3%. Nếu chúng ta kiểm soát tốt các chỉ số vĩ mô khác, các NHTM có thể huy động tốt hơn nguồn vốn trung dài hạn bằng tiền đồng ở Việt Nam theo tôi là khả thi.

Riêng về VietinBank, hiện vốn ngắn hạn được huy động là khoảng trên 70%, trung và dài hạn 30% trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc nới tỷ lệ lên 60% là mức tỷ lệ nới tương đối lớn, vậy VietinBank có giải pháp gì để kiểm soát rủi ro khi tỷ lệ được nới?

Chúng tôi có các biện pháp quản trị trên cơ sở tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng, trên cơ sở đó để thiết kế các tài sản nợ phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định và theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi có thể bảo đảm việc thực hiện các tỷ lệ này theo đúng quy định.

Các ngân hàng khác cũng sẽ phải bảo đảm thực hiện theo tài sản nợ và tài sản có phù hợp để đảm bảo hoạt động của ngân hàng an toàn kiểm soát rủi ro thanh khoản, tín dụng,...

Thông tư 36 còn nhiều quy định khác, tỷ lệ dự trữ thanh khoản khoảng 10%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%, theo ông VietinBank có gặp khó khăn gì khi triển khai?
Một số quy định như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, thanh khoản, tỷ lệ chi trả… trong quá trình ban hành chính sách NHNN đã tham khảo tình hình thực tế của hệ thống ngân hàng, vì thế tỷ lệ này đối với mặt bằng chung của thị trường tôi cho rằng có cơ sở thực hiện được.

Với VietinBank, cơ bản các yêu cầu này đều thỏa mãn, thậm chí có thể ở mức độ tốt hơn. Tuy nhiên để thực hiện được các yêu cầu này để thị trường ổn định, không tạo ra biến động lớn, nếu có, thì cũng cần có lộ trình tích cực để các ngân hàng có thể hoạt động tốt, dần đi vào ổn định và phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.