CafeLand - Trong lúc thị trường bất động sản gần như đóng băng. Nhiều nhân viên môi giới địa ốc phải bỏ nghề, một số sống lay lắt chờ thời. Tuy nhiên, cũng có nhân viên năng động đã tìm ra lối thoát từ việc tập trung vào phân khúc bất động sản cho thuê.

Bất động sản đóng băng, môi giới địa ốc cũng lao đao

“Thời điểm này mà bám vào môi giới thì lấy gì ăn.” Phương, một môi giới lâu năm trong nghề cũng tỏ ra cám cảnh. Chị đã tìm được một công việc tạm thời đủ để trang trải chi phí sinh hoạt chờ tình hình khởi sắc. Chỉ cần dạo qua các phố giao dịch địa ốc nhộn nhịp trước đây như Trần Não, Đỗ Xuân Hợp có thể thấy hàng loạt sàn giao dịch đóng cửa.

Môi giới địa ốc và và chủ đầu tư là mối quan hệ “môi hở răng lạnh”. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ảm đạm, bất động sản mất tính thanh khoản, tìm kiếm khách hàng vô cùng khó khăn. Khách hàng ký hợp đồng rồi, môi giới vẫn phải dài cổ chờ chủ đầu tư chuyển phí môi giới.

Bỏ cuộc, là lựa chọn của rất nhiều nhân viên môi giới để vượt qua giai đoạn lay lắt với đồng lương ít ỏi. Tuy nhiên, những nhân viên môi giới may mắn hơn đã tìm được đất sống để bám trụ lại. Khoa, một môi giới chuyển từ công ty chuyên bán căn hộ, đất nền sang cho thuê nhận định: “Bây giờ người bán nhiều người mua ít, nhưng nhu cầu thuê căn hộ để ở thì vẫn ổn định”.

Khách thuê căn hộ có xu hướng chuyển từ những căn hộ ở trung tâm với giá thuê cao ra những căn hộ vùng ven với giá thuê mềm hơn mà vẫn đầy đủ các dịch vụ. “Nhờ khách chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác tụi em mới có đất sống.” – Khoa chia sẻ.

Dù vậy, cho thuê cũng lắm gian nan. Khách thuê căn hộ chủ yếu là người nước ngoài, nên ngoại ngữ là yếu tố cơ bản đầu tiên phải đáp ứng. Để khách thuê được căn hộ, phải dẫn họ đi xem rất nhiều tòa nhà. Chỉ cần lơi lỏng ra là có thể mất khách vào tay một môi giới khác.

Thời gian đầu, làm môi giới tự do, căn hộ nắm chính chủ rất ít nên Khoa đã mất rất nhiều khách hàng. Khi hợp tác với môi giới khác, nhân viên trong ban quản lý các tòa nhà, anh cũng từng bị “cắt cầu” do chưa tạo lập được mối quan hệ với những môi giới uy tín.

Từ kinh nghiệm đó, Khoa xin vào một công ty chuyên môi giới căn hộ cho khách hàng nước ngoài thuê. Hoa hồng được chia lại từ công ty ít hơn nhưng lại được hỗ trợ nguồn khách hàng từ hệ thống website, những mối quan hệ được công ty xây dựng từ các tòa nhà. Nguồn cung căn hộ cho thuê tăng mạnh từ những dự án mới cũng khiến khách hàng khó tính hơn khi lựa chọn.

“Mình vất vả dắt khách đi hết tòa nhà này sang tòa nhà khác mới mong khách ưng ý. Nhưng được hợp đồng thì phải cắt 50% cho ban quản lý tòa nhà hoặc môi giới nắm chính chủ. Thu nhập không bằng hồi xưa nhưng thời khó khăn chung được như vậy cũng là may mắn rồi.” Tâm trạng của Khoa có lẽ cũng là suy tư chung của những nhân viên môi giới đang cố bám trụ chờ bất động sản hồi phục.

  • Các dự án bị “trói” vì mặt bằng: Đâu là lối thoát?

    Các dự án bị “trói” vì mặt bằng: Đâu là lối thoát?

    Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội dù đã được khởi công cách đây vài năm nhưng đến thời điểm này, các gói thầu đều triển khai rất vất vả và phải điều chỉnh tiến độ do khó khăn trong GPMB.

  • Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản, trụ sở các cơ quan đang triển khai dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, người dân mất đất ruộng từ nhiều năm nay vẫn đang sống trong tình cảnh “làm hôm nay, lo ngày mai”.

Quốc Tuấn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.