CafeLand – Thị trường thép đang nóng ran trước thông tin Tập đoàn Hoa Sen chuẩn bị đầu tư xây dựng siêu dự án thép tỷ đô Hoa Sen Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận. Dù chủ đầu tư đã cam kết mạnh mẽ về đảm bảo môi trường, khẳng định hiệu quả kinh tế của dự án song hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc đầu tư dự án này vẫn đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

Mô hình siêu dự án thép Hoa Sen Cà Ná nhìn từ trên cao

Chọn vị trí dự án đầy tính toán

Mới đây vào ngày 6/9, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2016 để lấy ý kiến cổ đông về dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Nội dung tài liệu gửi đến cổ đông cùng những phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã phần nào hé lộ những tham vọng về dự án vốn đang gây nhiều tranh cãi.

Tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận được triển khai tại địa bàn các xã Phước Diêm, Cà Ná và một phần xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Sau sự cố Formosa, thông tin dự án thép này được xây dựng ven biển Cà Ná đã khiến không ít người thắc mắc tại sao phải xây dự án thép lớn như vậy ở Cà Cá, nơi kinh tế chưa thực sự phát triển so với một số địa phương khác, lại thường khô hạn khó khăn nguồn nước.

Lý giải điều này, Tập đoàn Hoa Sen cho biết đây là vị trí tốt nhất để thực hiện dự án, sau khi đã đi khảo sát nhiều địa phương khác như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định),… Cụ thể, Cà Ná có khả năng phát triển cảng nước sâu, tiếp nhận được các loại tàu có trọng tải đến 200.000-300.000 DWT. Bên cạnh đó là nằm gần các tuyến giao thông huyết mạch như đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 1A, tuyến đường ven biển, cách Tp.HCM khoảng 300 km. Đây cũng là nơi không xảy ra bão và được che chắn bởi các dãy núi bao quanh. Theo đại diện chủ đầu tư thì nhìn xa trông rộng, trong 5-10 năm nữa, Dung Quất chẳng là gì với Cà Ná.

Về lo ngại thiếu nước do Ninh Thuận là địa phương khô hạn, Hoa Sen cho biết hiện nay lãnh đạo tỉnh này đã kéo đường ống nước xuống đến tận dự án. Thậm chí, nếu cần thiết công ty sẽ lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ hoạt động cho nhà máy.

Sẽ đẩy mạnh bán thép ở cả ASEAN

Lấy lý do cung chưa đủ cầu, nền kinh tế đang phát triển mạnh và hội nhập toàn cầu, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho rằng đây là “thời điểm vàng” để đầu tư dự án.

Doanh nghiệp này phân tích, ngành thép Việt Nam phải nhập siêu khá lớn với mức 6,6 tỷ USD/năm (vào năm 2015). Trong khi đó, nhu cầu đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng theo quy hoạch đến năm 2020, ngành thép sản xuất từ thép phế liệu có công suất 22 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự báo khả năng sản xuất chỉ đạt 6 triệu tấn/năm. Tương tự, thép xây dựng công suất các nhà máy sản xuất từ lò cao chỉ đáp ứng 40% nhu cầu trong nước.

Về thị trường tiêu thụ, Hoa Sen cho biết sẽ giải quyết tốt do không chỉ bán trong nước mà còn đẩy mạnh qua các nước ASEAN. Hiện nay và trong tương lai, cơ hội thị trường ở đây là rất lớn.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên đầu tư dự án thép nữa vì hiện tại thị trường thép Trung Quốc đang dư thừa, Việt Nam cũng đang xây nhà máy thép khủng Formosa.

Tham vọng lớn

Theo kế hoạch, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn (từ 2017-2031), chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm. Trong đó, phân kỳ 1, thuộc giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ 2017-2018, dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019.

Tiến độ thực hiện dự án

Theo thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen, dự án Hoa Sen Cà Ná có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Trong đó, tại Đại hội bất thường vừa qua, công ty cho biết phân kỳ 1, giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tương ứng khoảng 11.150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để vận hành dự án Hoa Sen còn cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động, trong khi vốn tự có chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1, phân kỳ I.1

Với mức vốn bỏ ra không nhỏ, Hoa Sen cũng kỳ vọng thu về khoản lãi nghìn tỷ từ dự án thép này.

Đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án, Hoa Sen đưa ra kịch bản tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 30%/năm cùng với thời gian hoàn vốn vào khoảng 5 năm.

Phân kỳ I.1 của dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2018 và dự tính đến năm 2020 sẽ hoạt động với 100% công suất, mang về doanh thu 14.250 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ tăng dần hàng năm.

Hiệu quả kinh doanh dự kiến

Nói về lợi nhuận dự án mang lại, mới đây ông Lê Phước Vũ khẳng định làm dự án sẽ thắng. Hơn nữa, nhìn đại gia ngành thép Hòa Phát lãi hàng nghìn tỷ đồng trong quý vừa qua, ông Vũ cho rằng “dại gì không làm”.

Cam kết “sốc” về môi trường

Không chỉ khiến dư luận quan tâm bởi quy mô dự án lớn, mức đầu tư khủng mà Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen còn gây chú ý khi có những phát ngôn “sốc” về cam kết môi trường.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra vào ngày 27/8 vừa qua, ông Lê Phước Vũ hứa trước mặt Thủ tướng và đề nghị đông đảo phóng viên báo đài ghi lại là không để một giọt nước thải của dự án Hoa Sen Cà Ná chảy ra biển. Nếu làm sai sẽ đóng cửa công ty, giao nộp toàn bộ tài sản và đưa ông ra tòa xử.

Mới đây, trả lời ý kiến băn khoăn của cổ đông về việc sử dụng công nghệ, thiết bị nước nào cho dự án, ông Vũ cho biết sẽ sử dụng công nghệ luyện cốc. Còn thiết bị, lựa chọn giữa Châu Âu hay Trung Quốc thì sẽ trả lời sau.

Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngay sau đó ông Vũ lại thêm câu “90% dự án thép thế giới đều dùng thiết bị của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”. Điều này đồng nghĩa với việc dù trả lời lấp lửng nhưng có thể hiểu rằng Hoa Sen sẽ dùng công nghệ của Trung Quốc cho nhà máy luyện thép của mình.

Trên thực tế, nhiều dự án để xảy ra sự cố môi trường cũng từng cam kết đảm bảo không để xảy ra ô nhiễm.

Nhiều chuyện gia cho rằng “rất khó vừa có cá vừa có thép”. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cho việc hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thường chiếm đến 30% tổng đầu tư. Không chỉ có vậy việc vận hành xử lý nước thải thường rất tốn kém. Do đó để nước thải và các chất thải khác đạt tiêu chuẩn về môi trường thì giá thành sản xuất thép thường rất cao.

Một thực tế đã chứng minh là hầu hết các nhà máy thép trên thế giới đều gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thêm vào đó, cơn bão Formosa vừa mới đi qua và hậu quả vẫn còn đó khiến nhiều người lo lắng một trường hợp tương tự có thể xảy ra đối với Hoa Sen.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.