Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực, cho rằng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) trong những năm tới, như hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, cấu trúc NH phù hợp; vấn đề sở hữu và quản lý các NHTM có vốn nhà nước, giải quyết nợ xấu… Trong đó, nổi bật là vấn đề xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

- Ông nhận định thế nào việc tái cấu trúc hệ thống NH thời gian qua và thời gian tới nên tập trung vào những nội dung nào?

TS. Cấn Văn Lực: - Có 9 vấn đề cần quan tâm trong việc tái cấu trúc hệ thống NH trong thời gian tới, đó là hoàn thiện hành lang pháp lý và thể chế, cấu trúc hệ thống NH phù hợp các cam kết thông lệ quốc tế. Thứ hai, vấn đề sở hữu và quản lý. Trong hệ thống NHTM có vốn nhà nước hiện nay, 4 NH lớn chiếm 43% thị phần về huy động và cho vay, trong đó Nhà nước đang sở hữu 84% cổ phần bình quân và khiến nhà đầu tư ngại vào. Thứ ba, trong hệ thống NH phải làm rõ vai trò giữa sở hữu và giám sát quản lý hoạt động, phải tách bạch, điều này cực kỳ quan trọng. Vai trò của NHNN đến đâu trong mối quan hệ với các NHTMCP cũng phải làm rõ.

Thứ tư, rất quan trọng nhưng ít được đề cập đó là tín dụng chính sách. Tín dụng chính sách tính sơ bộ khoảng 8% tổng dư nợ trong toàn bộ nền kinh tế. Nếu như không quản lý hiệu quả tín dụng chính sách theo đúng mục tiêu đề ra sẽ làm méo mó thị trường tín dụng. Nhiều vấn đề nợ xấu có thể phát sinh từ đây, nên cần đặt cơ chế quản lý tín dụng chính sách như thế nào. Tôi đã đề xuất với Chính phủ sớm tái cơ cấu NH Chính sách Xã hội và NH Phát triển Việt Nam (VDB) theo hướng quyết liệt hơn. Thứ năm, chính năng lực của NHNN và các NHTM có vốn nhà nước, NHTMCP. Các vấn đề liên quan đến thống kê và dự báo rất quan trọng, chưa bao giờ tôi thấy NHNN đưa ra các báo cáo chính sách, tung ra thị trường làm thị trường thay đổi. Làm được việc này mới đúng vai trò, thương hiệu của NHNN.

Vấn đề giám sát hệ thống NH để kiểm soát an toàn hệ thống còn liên quan đến các rủi ro vĩ mô. Rồi sở hữu chéo giữa các NH, mối quan hệ giữa NH với bảo hiểm, NH với thị trường chứng khoán kiểm soát thế nào? Các tập đoàn tài chính NH giám sát thế nào? Hiện tại Việt Nam có khoảng 15 NH đủ quy mô của một tập đoàn tài chính NH. Cần làm rõ sự phối hợp chính sách giữa tiền tệ với tài khóa. Mặt khác, hệ thống hạ tầng tài chính NH cũng rất quan trọng cần đề cập trong quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính, vì nó liên quan đến hệ thống thanh toán, hệ thống kiểm toán, kế toán nội bộ. Chỉ nói riêng về kiểm toán kế toán, hiện nay chúng ta không theo thông lệ quốc tế như chứng khoán phái sinh, phân loại nợ xấu. Vấn đề cuối cùng liên quan đến nợ xấu, trong hội nhập quốc tế chúng ta phải xử lý phù hợp với thông lệ và bảo đảm cạnh tranh trong hệ thống NH.

- Bên cạnh các vấn đề trên quá trình tái cấu trúc hệ thống NH trong giai đoạn 2016-2020 cần quan tâm đến những yếu tố nào, thưa ông?

- Chúng ta bàn nhiều thể chế kinh tế nhưng không gắn kết với vấn đề chính trị, không quyết tâm chính trị không làm được. Chẳng hạn vấn đề nợ xấu không quyết tâm không làm được. Nó giống như bãi rác ở đầu làng, không quyết tâm xử lý nó vẫn cứ tồn tại. 2 vấn đề này song hành với nhau cực kỳ quan trọng. Về thể chế NH, thời gian qua chúng ta loay hoay 3 thứ là hành lang pháp lý, NHNN và một số NHTM. Trong khi đó có hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân chưa được đề cập. Đó mới là những vấn đề cần phải sâu hơn.

- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề nợ xấu và để xử lý tốt thời gian tới cần những giải pháp gì?

- Về nợ xấu chắc chắn phải xử lý quyết liệt hơn. Nếu nói xử lý nợ xấu chưa hiệu quả là chưa công bằng. Bởi hệ thống NHTM trong 4 năm qua phải hy sinh rất nhiều. Trong tổng nợ xấu 465.000 tỷ đồng, hệ thống NHTM phải xử lý 55%, 45% còn lại bán cho VAMC và các tổ chức khác, chứ không phải tất cả đều gom về VAMC và nợ xấu nằm chết ở đó. Chính vì vậy lợi nhuận trong hệ thống NH 4 năm qua rất thấp, thấp nhất trong khu vực, năm 2015 ROE hệ thống đạt 6%.

Có thể nói 55% nợ xấu của hệ thống NH đã cơ bản được xử lý bởi hệ thống NHTM, 45% VAMC đã và đang xử lý. Trong 45% nợ xấu VAMC mua về có giá trị khoảng 250.000 tỷ đồng đến thời điểm hiện nay trên sổ sách xử lý được khoảng 15%, còn lại 85% đang tiếp tục xử lý. Nhưng vấn đề xử lý nợ xấu của VAMC đang có nhiều vướng mắc về việc có sử dụng tiền ngân sách hay không, tức bổ sung thêm ngân sách để VAMC xử lý nợ xấu. Trước đây đã bố trí 2.000 tỷ đồng để VAMC xử lý nợ xấu. Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng Việt Nam đã đến lúc phải bố trí thêm ngân sách để xử lý nợ xấu. Và ước tính VAMC sẽ cần thêm 5.000-10.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Bởi VAMC cần tiền tươi, thóc thật để mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, chứ với 2.000 tỷ đồng được bố trí hiện nay rất khó. Vấn đề tiếp theo ai là người sẽ bù lỗ, nếu bán được không đúng giá trị sổ sách phải có cơ cơ chế chia lỗ, chia lãi.

- Xin cảm ơn ông.

Trong thị trường mua bán nợ, vai trò của nhà đầu tư tư nhân cực kỳ quan trọng. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế để họ tham gia, đặc biệt là tư nhân và tổ chức nước ngoài. Việc định giá nợ xấu cũng quan trọng, ai là người định giá? Khi định giá rồi tổ chức tín dụng, VAMC có chấp nhận không. Nếu không có cơ chế xử lý sẽ rất khó, đó là cơ chế thống nhất định giá theo thị trường.
Đăng Tuân (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.