Nguyên Vụ phó Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng việc "làm cong đường Trường Chinh sẽ tốn thêm cả nghìn tỷ đồng và hàng trăm hộ dân mất nhà".

Trao đổi với VnExpress, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh (nguyên Vụ phó Quy hoạch Kiến trúc) không đồng tình với lý giải của Ban quản lý dự án rằng bẻ cong đường Trường Chinh sẽ tiết kiệm được 139 tỷ đồng. Người từng đoạt giải thiết kế cải tạo kiến trúc nước Đức những năm 1987 nói "đó là nhận định thiếu căn cứ và mang tính chủ quan".

Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh cho rằng việc làm đường cong là tối kỵ trong thiết kế kiến trúc, trường hợp này, đường cong gây tốn cho ngân sách nhà nước cả nghìn tỷ đồng. Ảnh: Bá Đô.

Ông Minh phân tích, bản đồ quy hoạch chi tiết dự án cho thấy phía bắc đường Trường Chinh có 461 hộ dân và 10 cơ quan, phía nam có 188 hộ và 12 cơ quan, trong đó đất của Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) chiếm gần 2/3.

Nếu lấy đất về phía nam sẽ giảm được cả nghìn tỷ đồng vì tính trung bình mỗi hộ dân giải tỏa, nhà nước phải trả khoảng 3 tỷ đồng (giá đất hiện tại ở đường Trường Chinh được tính từ 35-40 triệu đồng/m2).

Hơn nữa, trong hầu hết quyết định quy hoạch được Thủ tướng ký và Hà Nội phê duyệt trước đây luôn thể hiện đường Trường Chinh là thẳng và phần lớn đều "mở rộng ra phía nam, chứ không phải về phía bắc như hiện nay vì phía bắc có nhiều hộ dân hơn, thậm chí xây nhiều nhà kiên cố hơn", ông Minh lý giải.

Từng tham gia quy hoạch kiến trúc đô thị nhiều năm, ông Minh cũng cho rằng việc xuất hiện đường cong ở đường Trường Chinh mở rộng là phương án không khả thi.

"Thông thường, các dự án cần phải đưa ra 4 đến 5 phương án để so sánh và đánh giá, phương án nào kinh tế nhất, đảm bảo an toàn nhất... sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, dự án này không theo quy trình đó, thậm chí quy hoạch không lấy ý kiến của người dân", ông Minh nhấn mạnh.

Bản đồ tổng thể đường ống kỹ thuật cho thấy, đường Trường Chinh bị cong từ ngõ 150, tức là cong về phía Bắc. Ảnh: Bá Đô.

Nguyên lãnh đạo Vụ Quy hoạch Kiến trúc cũng tính toán việc bẻ cong con đường không chỉ làm tăng chi phí nhiều lần so với làm đường thẳng mà còn tạo ra nhiều hệ lụy vì phá vỡ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Chưa nói đến hàng loạt công trình phải phá dỡ, chi phí cho việc tháo lắp hạ tầng hàng trăm tỷ đồng, chi phí giao thông và môi trường cũng bị ảnh hưởng.

"Cứ thử làm bài toán, nếu mỗi xe ôtô chậm 2 phút/ngày, trung bình lưu lượng là 15.000 lượt xe chạy/ngày như vậy sẽ tiêu hao bao nhiêu tiền của, ảnh hưởng bao nhiêu khói bụi", ông Minh viện dẫn.

Đồng tình với ông Minh, đại tá Nguyễn Tâm Trinh (nguyên Phó tư lệnh radar, Quân chủng PKKQ và đại tá Phan Văn Toản, (nguyên Phó hiệu trưởng trường Sĩ quan PKKQ) cùng nhiều tướng lĩnh khác cho rằng, đường Trường Chinh bị bẻ cong là lỗi của Sở Quy hoạch Kiến trúc, nhưng cơ quan này không có câu trả lời thấu đáo.

Theo tài liệu và một số đơn kiến nghị mà tổ dân phố 40 phường Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) gửi tới VnExpress, trong đó có Công văn 193, do Thiếu tướng Mai Văn Cương, Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ ký gửi UBND Hà Nội năm 2000, việc lấy đất về phía nam không ảnh hưởng tới Quân chủng và các công trình ngầm nổi của đơn vị này.

Quân chủng cũng đề nghị mở đường Trường Chinh đoạn từ Hố Mẻ đến Cống Chéo (Sông Lừ) về phía Bắc lấy 7 m, còn lại lấy về phía Nam cho đủ mặt cắt là 53,5 m.

Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng tiếp tục có văn bản số 762 do Thứ trưởng, Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên ký, xin lui thêm 1 m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía bắc 6 m. Từ đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ năm 2008 theo hình cong.

Trên thực tế, từ ngõ 150 đường Trường Chinh mở rộng lấy sâu về phía bắc khoảng 15 m thậm chí trên 20 m và đường cong cũng xuất hiện từ đây. Ảnh: Bá Đô.

Thiếu tướng Mai Văn Cương cho rằng, theo những văn bản gần đây nhất của Bộ Quốc phòng nếu có lấy vào phía bắc 7 m, hoặc 6 m thì đường Trường Chinh vẫn thẳng, việc làm đường cong như hiện nay là khó chấp nhận vì không đúng với tinh thần của những công văn trước đó do chính ông ký.

Về phía cơ quan quy hoạch tuyến đường, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vẫn khẳng định "chỉ giới đỏ vành đai II - đường Trường Chinh đã được Hà Nội phê quyệt, cập nhật chính xác theo ý kiến thống nhất của Bộ Tư lệnh PKKQ, Bộ Quốc phòng và việc mở từ nam sang bắc là để khớp nối với chỉ giới đường đỏ này, ngoài ra đường cong xuất hiện là do yếu tố kỹ thuật".

Trước thông tin "đường Trường Chinh thẳng thành cong sau quy hoạch", Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã yêu cầu Hà Nội phải giải quyết dứt điểm và làm rõ.

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, quá trình triển khai lập quy hoạch, phê duyệt chỉ giới đường đỏ và đầu tư dự án này được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, có sự đồng thuận của các cơ quan liên quan.

Quan điểm của thành phố là làm nghiêm túc, không có chuyện cong thẳng để né nhà ai đó, "không có khái niệm nhà quan chức, nhà lãnh đạo cũng như nhà người dân bình thường, không có gì khác nhau. Phương án nào kinh tế nhất, tốn kém ít nhất cho ngân sách nhà nước, đúng quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì làm", ông Thịnh nhấn mạnh.

Bá Đô (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.