Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, nhìn một cách tổng thể, tỷ giá không có áp lực gì để tăng mạnh từ nay đến cuối năm, tiền đồng sẽ không mất giá quá 2% như cam kết của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Từ đầu tuần đến nay, các ngân hàng thương mại đã liên tục tăng giá USD. Hiện giá mua - bán đang được đẩy lên mức cao nhất 21.795-21.860 đồng, chỉ còn cách trần quy định 30 đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD mua vào - bán ra là 21.900 - 21.920 đồng/USD, cao hơn rất nhiều so với biểu giá tại ngân hàng.

Trước hiện tượng đồng bạc xanh đang mạnh lên từng ngày, thị trường lại dấy lên nhiều đồn đoán có những yếu tố gây áp lực giảm giá lên tiền đồng Việt Nam, khiến tỷ giá USD/VND có khả năng điều chỉnh tăng thêm đến 3%.

Bình luận vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa các thông điệp không điều chỉnh thêm tỷ giá từ nay đến cuối năm, song các tổ chức nghiên cứu khác đều nhận định trước nhiều sức ép lớn, tỷ giá có thể điều chỉnh lên tới 3%. Ông nhận định thế nào về khả năng này?

Ông Trương Văn Phước: Trước hết, câu chuyện tỷ giá USD/VND cần phải nhìn nhận về cung cầu. Tính đến giữa tháng 7/2015, nhập siêu của cả nước là 4 tỷ USD. Năm 2015, dự báo nhập siêu vào khoảng 5-7 tỷ USD.

Cán cân vãng lai của Việt Nam bao gồm cán cân thương mại, chuyển tiền và nguồn thu dịch vụ. Trong đó, kiều hối dự kiến đạt 12-14 tỷ USD. Chúng ta hoàn toàn có thể lấy kiều hối bù đắp thâm hụt nhập siêu. Do đó, tổng thể, cán cân vãng lai Việt Nam vẫn có thể thặng dư, ít nhất cũng khoảng 4-5 tỷ USD.

Thứ hai về cán cân vốn, về dòng chu chuyển vốn từ bên ngoài bao gồm đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, đầu tư mua trái phiếu, mua cổ phần trên thị trường chứng khoán; cộng với dòng vốn trực tiếp vẫn tiếp tục đổ vào và các khoản vay nợ như vay đầu tư phát triển ODA…do đó, cán cân vốn luôn luôn thặng dư.

Như vậy, cán cân vãng lai cộng với cán cân vốn tạo nên cán cân thanh toán của quốc gia. Năm nay, cán cân thanh toán dự kiến sẽ thặng dư khoảng 5-7 tỷ USD. Nói tóm lại, cung vẫn lớn hơn cầu.

Yếu tố thứ hai, lạm phát 7 tháng đầu năm 2015 có mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. So với cuối năm 2014, CPI tăng 0,68% và bình quân 7 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với cùng kỳ năm. Thông thường một nước có lạm phát tăng cao, đồng tiền của họ có xu hướng bị mất giá, nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, do vậy áp lực của lạm phát lên tỷ giá không nhiều.

Nhìn một cách tổng thể, tỷ giá không có áp lực gì để tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Liệu có khả năng NHNN sẽ bán ra USD can thiệp thị trường nếu tỷ giá cuối năm có dấu hiệu căng thẳng?

Dự trữ ngoại hối cũng tăng lên mức rất cao. Thực tế NHNN cũng thỉnh thoảng can thiệp trên thị trường, nhưng nhìn chung áp lực mua ngoại tệ không nhiều đến mức NHNN phải can thiệp. Giả sử có cần phải can thiệp thì với nguồn dự trữ dồi dào NHNN vẫn kiểm soát được. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giữ đúng biên độ như đã cam kết.

Thị trường đang đồn đoán rất có thể trong tháng 9 tới, FED sẽ tiến hành tăng lãi suất. Điều này khiến một bộ phận người dân có xu hướng rút VND gửi ngân hàng USD. Theo ông, đây có phải là lựa chọn hay?

Hiện lãi suất đồng VND cao hơn lãi suất USD là 5%. Trong năm nay, xác suất FED tăng lãi suất là không nhiều mà khả năng trong năm sau nhiều hơn.

Họa hoằn nếu FED vẫn tăng lãi suất trong năm nay thì mức điều chỉnh cũng không lớn, khoảng từ 0,25-0,5%. Dù vậy, điều này cũng không làm cho chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD hạ xuống thấp mà vẫn giữ ở mức 4,5-5%. Đây cũng là lý do vì sao nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn.

Vậy nếu chuyển từ đầu tư vàng sang găm giữ USD trong bối cảnh vàng liên tục trượt giảm mạnh thì ông nghĩ sao?

Trước đây, tỷ giá và giá vàng có tác động qua lại rất lớn khi đó hệ thống ngân hàng thương mại còn duy trì nghiệp vụ huy động vốn bằng vàng trả lãi suất rồi cho vay bằng vàng cũng nhận lãi suất. Giao dịch mua bán chuyển đổi từ VND qua vàng với số lượng rất lớn.

Nhưng trong hai năm trở lại đây, nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng đã chấm dứt, cho nên nhu cầu mua bán vàng vật chất không còn nhiều như ngày trước nữa. Đó cũng là nguyên nhân giá vàng thế giới đi xuống với tốc độ chậm hơn lực rơi mạnh của giá vàng trong nước. Người dân không còn chạy theo vàng hay mua bán nhộn nhịp tạo sóng, họ chỉ muốn bán vàng đối lấy tiền đồng về gửi lãi suất ngân hàng. Dù sao gửi tiền đồng tại ngân hàng cũng nhận được lãi suất chấp nhận được còn hơn giữ vàng vì đây là kênh không sinh lời và cũng không nên găm giữ USD trong thời điểm này.

  • Phó thống đốc NHNN: Tỷ giá sẽ "neo" ở 2%

    Phó thống đốc NHNN: Tỷ giá sẽ "neo" ở 2%

    Trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin đồn đoán trên thị trường cho rằng tỷ giá có khả năng sẽ được tăng thêm thành 3%. Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, tỷ giá sẽ chỉ “neo” ở 2% từ nay đến cuối năm.

Kim Tiền (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.