CafeLand - Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hàng loạt chính sách được đưa ra. Trái ngược với trước đó bất động sản thường bị “siết” giờ đây được hưởng rất nhiều ưu ái. Tuy vậy, những chính sách dường như vẫn chưa đủ liều để cứu bất động sản khỏi khó khăn.

Giảm, giãn tiền thuê đất chưa đủ liều để cứu bất động sản. Ảnh CafeLand

Cuối tuần trước, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 trong đó chính sách liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2012 theo quy định tại Quyết định 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011. Theo đó thì đối tượng được giảm thuế được mở rộng sang cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thay vì chỉ có doanh nghiệp sản xuất như trước đó.

Một thông tin tích cực khác đối với thị trường bất động sản là có nguồn tin cho biết Thủ tướng đồng ý gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính thêm 12 tháng. Theo một số ước tính là số tiền giãn tiền thuê đất khoảng 64 nghìn tỷ. Tuy nhiên, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 của Bộ Tài chính, số thu tiền sử dụng đất chỉ là 37 nghìn tỷ đồng, còn trong quý 1/2012, số thu thực tế thu được chỉ vào khoảng 6.542 tỷ đồng.

Việc giãn thời hạn nộp thuế này không phải áp dụng đối với tất cả các dự án mà tùy thuộc vào khó khăn từng dự án và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương. Như vậy, cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác số tiền được giãn nộp thuế là bao nhiêu. Tuy vậy, đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn việc giãn thời hạn nộp thuế đồng nghĩa với áp lực tài chính cũng giảm theo.

Tuy nhiên, giả sử số tiền mà các doanh nghiệp được giãn nộp thuế là 30 nghìn tỷ đồng. Với lãi suất trung bình là 15%/năm thì các doanh nghiệp nhận được một khoản tiền tương đương 4.500 tỷ đồng tiền lãi do giãn thuế mang lại. Con số này khá nhỏ so với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng được đổ vào thị trường bất động sản do vậy nó có thể không đủ “liều” để giải cứu cho thị trường bất động.

Đối với việc giảm tiền thuê đất, Nghị quyết 13 đã thêm đối tượng đất sử dụng cho thương mại và dịch vụ được giảm nhưng xem ra số tiền được giảm cũng không quá lớn. Thông thường tiền thuê đất hàng năm bằng 1,5% giá trị đất theo giá quy định của nhà nước. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường do đó việc giảm thuế 50% cũng không ảnh hưởng quá lớn đến những doanh nghiệp đang được thuê đất.

Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp bất động sản hiện nay là không thể bán được hàng và áp lực trả lãi lớn. Đây là hệ quả tất yếu của việc bong bóng bất động sản đã phình to, bất ổn vĩ mô và nền tảng yếu kém của phần lớn doanh nghiệp bất động sản.

Theo CafeLand, tuy giá nhà đất đã giảm khá mạnh nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của phần lớn người có nhu cầu thực. Sự bùng nổ của thị trường trước đó chủ yếu là do đầu cơ quá mức. Siêu lợi nhuận từ bất động sản đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp lao vào lĩnh vực này. Hiện tại, nguồn cung căn hộ đang vượt quá cầu vì vậy các dự án bất động sản khó sớm thoát khỏi khó khăn. Bên cạnh đó, với sự suy giảm của nền kinh tế và lãi suất vẫn ở mức cao thì cũng khó kỳ vọng giới đầu cơ sẽ hoạt động trở lại làm cho thị trường bất động sản sôi động.

Như vậy, mặc dù có một loạt chính sách nhằm “giải cứu” cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản mới được ban hành. Tuy nhiên, CafeLand cho rằng những giải pháp này vẫn chưa đủ “liều” để làm cho thị trường có thể làm thị trường bất động sản phục hồi. Vào lúc này doanh nghiệp bất động sản vẫn nên chủ động “phòng thủ” để tồn tại thay vì lạc quan quá.

Nguyệt Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.