Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) đưa ra những kiến giải để giải quyết nợ xấu, cả bài toán “tiền tươi”, lẫn bài toán cơ chế sống còn cho các ngân hàng xử lý nợ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)
Cơ chế sống còn là hoàn nhập lãi dự thu
Thưa ông, 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ráo riết tái cơ cấu, song khối lượng nợ xấu tồn đọng vẫn còn rất lớn. Rõ ràng, đã đến lúc xử lý nợ xấu phải cần đến nguồn tiền tươi. Vậy có nên sử dụng ngân sách?
Vấn đề không phải là nên hay không nên, mà vấn đề là tiền ở đâu. Tính toán căn cơ đến mấy thì ngân sách cũng không thể tìm ra nguồn nào để xử lý nợ xấu. Chính vì ngân sách không có, nên thời gian qua, nợ xấu vẫn chủ yếu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thương mại tự xử lý.
Nếu tiền tươi không có, theo ông, nợ xấu thời gian tới sẽ phải xử lý như thế nào?
Trước mắt, phải sử dụng 5 giải pháp chính.
Thứ nhất, xử lý tập trung qua VAMC.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại tự tái cơ cấu nợ.
Thứ ba, có sự hỗ trợ cơ chế của NHNN và Bộ Tài chính.
Thứ tư, phát triển thị trường mua bán nợ, cho phép các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường này.
Thứ năm, cho phép các ngân hàng lớn niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế (Hồng Kông, Singapore…) và mạnh dạn mở room đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bởi nguồn lực trong nước hiện rất hạn chế.
Trong các giải pháp trên, hỗ trợ về cơ chế là cấp thiết nhất. Trong đó, cơ chế sống còn là Bộ Tài chính cho phép các ngân hàng thương mại được hoàn nhập lãi dự thu. Đồng thời, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt trong trường hợp khó khăn về thanh khoản và hỗ trợ các ngân hàng phân loại nợ xấu để có phương án xử lý riêng với từng loại.
Trong số 5 giải pháp trên, VAMC được xem là xử lý nợ xấu không mấy hiệu quả, còn các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã bớt quan tâm đến nợ xấu và các ngân hàng Việt Nam?
Đừng xem thường VAMC. Dù VAMC vẫn chưa có cơ chế để xử lý nợ triệt để, song nếu VAMC không nhốt một khối lượng nợ khổng lồ, giúp làm sạch bảng cân đối tài sản thì nhiều ngân hàng, doanh nghiệp không thể tồn tại đến ngày hôm nay.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, theo tôi biết, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua; cái họ đang trông đợi là cơ chế, thủ tục nhanh gọn và giá cả thỏa đáng. Việc ngân hàng nước ngoài có thể thiết lập được một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng thương mại trong nước là rất khó. Vì vậy, họ vẫn sẵn sàng bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đang gặp 2 vướng mắc: thứ nhất là giá quá cao, thứ hai là chỉ được mua cổ phần hạn chế.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, vào thời điểm hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ bể, Chính phủ nước này đã cho phép các ngân hàng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong một thời gian ngắn, vốn quốc tế đổ vào khu vực này và các ngân hàng đã vượt qua khó khăn, lớn mạnh, trở thành những nhà băng hàng đầu thế giới.
Tất nhiên, nếu không có tiền, dù có thực hiện đồng thời bằng cả 5 giải pháp trên, việc xử lý nợ xấu vẫn sẽ kéo dài, thậm chí lên đến 10 năm. Nợ xấu xử lý chậm sẽ kéo theo nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế và cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều.
Nguồn tiền tươi duy nhất: Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia
Như vậy, mấu chốt xử lý nợ xấu vẫn phải là "tiền tươi thóc thật". Như ông đã nói, ngân sách đã cạn nguồn. Vậy không còn nguồn nào để xử lý nợ xấu?
Trong trường hợp đặc biệt, có thể sử dụng một phần của Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia để xử lý nợ xấu. Đây là nguồn tiền tươi duy nhất và khả thi nhất hiện nay.
Tuy nhiên, giải pháp sử dụng tiền ngân sách hoặc Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia để xử lý nợ xấu sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận về mặt chính trị. Cho đến giờ, dư luận và nhiều chính khách vẫn cho rằng, nợ xấu do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra ,thì ngân hàng và doanh nghiệp phải tự gánh chịu. Đúng là nợ xấu do ngân hàng, doanh nghiệp gây ra, nhưng họ không đủ sức “gánh” nữa và hậu quả là cả nền kinh tế đang phải chịu, tác động dây chuyền của nó không chỉ trong nội bộ ngân hàng, mà cả trong ngân sách (ngân hàng mua 85% trái phiếu chính phủ), cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
Giả sử phương án này được đồng thuận thì ngoại tệ được sử dụng như thế nào để giải cứu nợ xấu một cách rõ ràng, minh bạch, mà không làm xáo trộn thị trường ngoại hối?
Sẽ không có chuyện NHNN “vác” ngoại tệ trong kho bán ào ào ra thị trường để lấy tiền đồng mua nợ xấu. Làm như vậy, tỷ giá sẽ tụt dốc, làm chao đảo nền kinh tế. Thay vào đó, NHNN sẽ phát hành khối lượng trái phiếu tương ứng với lượng mua ngoại tệ hàng năm.
Tất nhiên, sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia hay bất kỳ nguồn ngân sách nào để xử lý nợ phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Số tiền này không phải “cho không” để các ngân hàng xóa nợ, mà có thể cho các ngân hàng vay tái cấp vốn khẩn cấp hoặc tái cấp vốn dài hạn, sau đó trả dần. Tất nhiên, một số khoản nợ cũng nên xem xét xóa nếu không thu hồi được.
Những khoản nợ nào nên được xem xét xóa bằng nguồn tiền này, thưa ông?
Có những khoản vay nông nghiệp, cho vay vùng sâu vùng xa… nếu xảy ra nợ xấu do nguyên nhân khách quan, không có khả năng đòi được nợ nữa thì nên có cơ chế xóa.
Ngoài ra, nợ xấu của một số doanh nghiệp nhà nước cũng nên xem xét xóa (vì đều sử dụng tiền ngân sách). Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng xóa nợ, nhưng với những doanh nghiệp không còn hoạt động thì sau khi điều tra, quy kết, xử lý trách nhiệm cá nhân, cũng nên phát mãi tài sản và xóa nợ. Bởi với các doanh nghiệp này, nợ càng để lâu càng xấu, vừa làm bẩn sổ sách ngân hàng, vừa làm không khí xã hội căng thẳng.
Muốn thực hiện cơ chế tự tái cấu trúc, phải túm kẻ có tóc
Các ngân hàng thương mại yếu kém chiếm hơn nửa nợ xấu của toàn hệ thống. Dù NHNN đã tạo sức ép, yêu cầu các ngân hàng này “thay máu” bộ máy lãnh đạo, song việc xử lý nợ xấu vẫn hết sức gian nan. Tại sao vậy?
Việc đưa người từ bên ngoài vào xử lý hậu quả của ngân hàng chỉ tốt trong trường hợp NHNN hoặc ngân sách bỏ tiền ra mua lại toàn bộ ngân hàng thương mại đó. Còn trong trường hợp ngân hàng thương mại tự tái cơ cấu mà “gạt” ông chủ nhà băng sang một bên, đưa người ngoài vào tái cơ cấu là không khả thi.
Thứ nhất, những người điều hành mới không hiểu biết sâu về ngân hàng và các khoản nợ. Do không có sự gắn bó máu thịt với ngân hàng (không nắm cổ phần), nên họ sẽ không dám mạnh tay xử lý nợ xấu, vốn đòi hỏi nhiều quyết định mạo hiểm, thậm chí là bán rẻ tài sản để thu hồi nợ (sợ bị kiện tụng làm thất thoát tài sản và sợ trách nhiệm hình sự). Trong quản lý, lợi ích không gắn với trách nhiệm thì chẳng làm được gì.
Thứ hai, hiện nay, rất nhiều tài sản đảm bảo của ngân hàng thiếu hồ sơ pháp lý (ví dụ như sổ đỏ). Muốn bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu, trước hết, các ngân hàng phải hoàn thiện thủ tục cho các món nợ này, đồng nghĩa với việc tốn kém một lượng chi phí bôi trơn không nhỏ. Để làm được việc này, các ông chủ ngân hàng phải tự bỏ tiền túi ra xử lý, không người ngoài nào có thể làm việc này thay các ông chủ nhà băng.
Thứ ba, về mặt giám sát, cơ quan quản lý ngoài giám sát chặt chẽ quá trình tự tái cơ cấu, còn cần có “kẻ có tóc” để “túm” mới thúc đẩy công việc và quy trách nhiệm rõ ràng theo đúng lộ trình tái cấu trúc, nếu không sẽ thất bại.
Việc túm các ông chủ nhà băng để bắt gánh trách nhiệm xử lý nợ xấu hẳn không đơn giản, thưa ông?
Đây là điều nhức đầu nhất, song muốn xử lý được nợ xấu phải chấp nhận “đánh tay bo” với đối thủ - chính là các ông chủ ngân hàng từng gây ra nợ xấu. Còn nếu gạt các ông chủ sang một bên thì chỉ giúp các ông chủ này nhẹ nợ, trốn được tránh nhiệm.
Tóm lại, điều có ý nghĩa sống còn với các ngân hàng tự xử lý nợ xấu là NHNN phải túm được “kẻ có tóc”, buộc họ phải có trách nhiệm thu hồi nợ, dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. NHNN có cơ chế, có chuyên môn, có thanh kiếm luật pháp, hoàn toàn có thể “túm thắt lưng” các ông chủ ngân hàng để bắt họ xử lý.
NHNN có cơ chế, có chuyên môn, có thanh kiếm luật pháp, hoàn toàn có thể “túm thắt lưng” các ông chủ ngân hàng để bắt họ xử lý.
Thùy Liên (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.