Đó là lời kêu gọi của ông Trần Ngọc Quang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Maxland, đại diện Liên minh Các sàn giao dịch bất động sản G5 cho biết, trong thời kỳ thị trường bất động sản trầm lắng, cuối năm 2012, đầu năm 2013, khi triển khai một số dự án, G5 phải tư vấn cho chủ đầu tư các chính sách giá phù hợp với thị trường. Từ quý III/2013, ở một số dự án mà G5 thực hiện đã xuất hiện lộ trình tăng giá theo các đợt bán hàng của chủ đầu tư.

“Chúng tôi cho rằng, lộ trình tăng giá đó phù hợp với thị trường và được thị trường chấp nhận, bảo đảm quyền lợi cho những người mua sản phẩm sớm”, ông Diễn nói.

Không chỉ tăng giá, theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, một số dự án đã xuất hiện giá chênh, thậm chí là chênh lớn, lên tới hơn nửa tỷ đồng mỗi căn. Phải chăng, sau kỳ ngủ Đông kéo dài, thị trường bất động sản Việt Nam đã thực sự bừng tỉnh và sẽ sốt nóng trở lại như giai đoạn trước đây?

Tuy nhiên, Ông Trần Ngọc Quang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, thị trường bất động sản sẽ không thể sốt lại được, bởi các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá trong giai đoạn vừa qua.

“Gần đây, đã xuất hiện một số chủ đầu tư tăng giá. Đây là điều không bền vững. Với tư cách đại diện cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tôi cho rằng, các chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, đừng tăng giá, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường bất động sản. Điều đó là không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung”, ông Quang nói.

“Thị trường bất động sản không thể sốt lại”! cũng là khẳng định của Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng), cũng như các chuyên gia kinh tế.

Ông Phấn cho biết, thời gian khó khăn kéo dài của thị trường vừa qua đã mang đến những kinh nghiệm đáng quý cho chủ đầu tư trong việc cung cấp và định hình phân khúc sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, người có nhu cầu thực về bất động sản cũng có những bài học và kiến thức về thị trường.

“Thực tế, nhu cầu thực về nhà ở của người dân hiện vẫn còn rất lớn. Với diễn biến thị trường thời gian gần đây, người có nhu cầu về nhà ở có thể mua được nhà bằng tiền gửi tiết kiệm, còn với nhà đầu tư, cần phải tính toán kỹ trước khi quyết định, bởi rủi ro vẫn còn”, ông Phấn nói và thừa nhận, việc dự báo giá thị trường lên hay xuống rất khó chính xác, nhưng từ giữa năm 2013, đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, đặc biệt là những căn hộ có diện tích và giá cả phù hợp.

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, hiện tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã tăng cao hơn, nhưng để thị trường có thể “sốt” lại thì vấn rất khó. Lý do theo ông Nghĩa, kinh tế dù đang phục hồi, đã dò đáy đi lên từ quý IV/2013, nhưng mức độ phục hồi rất chậm. Thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế, vì vậy, với đà phục hồi kinh tế hiện nay, thì khó có thể trở thành bong bóng bất động sản.

“Điều hy vọng nhất hiện nay với thị trường bất động sản là ngoài chuyện phục hồi kinh tế, xử lý nợ xấu, đẩy sản xuất kinh doanh tăng lên, thì cơ chế tài chính, chính sách cho thị trường này cũng đã minh bạch hơn. Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của thị trường với tốc độ vừa phải”, ông Nghĩa nhận định.

Chia sẻ các quan điểm trên, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận định, ở góc độ chung của toàn thị trường, giá trung bình cộng của các dự án chắc chắn sẽ tiếp tục giảm. Hiện nay, chỉ số giá căn hộ đã trở lại thời điểm 2009, nhưng các dự án có giá bán trung bình hoặc thấp có thanh khoản hơn nhiều so với các dự án giá cao. Do đó, về mặt số học, chúng ta hoàn toàn thấy rằng, chỉ số trung bình của toàn thị trường sẽ giảm.

Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.