Trước thực trạng người dân khiếu kiện nhiều về đất đai và tình trạng nhiều cán bộ ngành tài nguyên môi trường nhũng nhiễu dân, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, ông cảm thấy "rất buồn".

Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Trước thực trạng người dân khiếu kiện nhiều về đất đai và tình trạng nhiều cán bộ ngành tài nguyên môi trường nhũng nhiễu dân, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, ông cảm thấy "rất buồn".

Liên quan đến Luật đất đai 2013 vừa mới được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1.7.2014, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ TN-MT xoay quanh một số điểm mới trong luật này, đặc biệt là việc thu hồi đất và các khiếu kiện của người dân.
Ngày 1.7.2013 tới đây, Luật đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của Bộ trưởng, luật mới ra đời liệu có thể giảm bớt được khiếu kiện của người dân không?
Luật đất đai 2013 đã được 3 kỳ họp Quốc hội thảo luận rồi thông qua. Tôi cho rằng người dân cũng như các nhà quản lý rất kỳ vọng vào Luật đất đai 2013 này.
Có nhiều vấn đề mà luật cũ chưa giải quyết được thỏa đáng, ví dụ như quyền của người dân thế nào, quyền của Nhà nước ra sao... thì sẽ được giải quyết khá cơ bản ở Luật đất đai 2013. Đi theo đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết những nguyện vọng của người dân và thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc khiếu kiện, khiếu nại đất đai từ phía người dân có liên quan rất nhiều đến trình độ quản lý của cán bộ. Vậy tới đây, Bộ TN-MT đã có hướng đi nào để xử lý vấn đề này?
Mặc dù các văn bản pháp luật quy định nhưng việc thực hiện, giám sát lại phụ thuộc vào các cán bộ. Tùy thuộc vào trình độ, năng lực và số lượng cán bộ ở những địa bàn khác nhau, chẳng hạn như địa bàn Hà Nội hay TP. HCM là hết sức phức tạp, những tỉnh miền núi thì lại đỡ hơn. Trong thời gian vừa qua, vấn đề nhũng nhiễu trong đất đai cũng rất nhiều nên tôi thấy rất buồn!
Đây là lĩnh vực rộng lớn, liên quan nhiều đến người dân nên trong thời gian vừa qua chúng tôi đã ban hành cái gọi là "đạo đức của cán bộ tài nguyên môi trường". Nhưng việc quản lý này thì rất khó, vì Bộ chỉ quản lý về thể chế là chính, quản lý pháp luật, còn việc quản lý trực tiếp thì tôi hy vọng các Sở TN-MT phải nâng cao trình độ cán bộ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi của các cán bộ nhân viên.
Quan điểm của tôi là các vấn đề liên quan đến việc nhũng nhiễu người dân thì sẽ phải xử lý thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật, không thể khác được. Tuy không nắm chính xác nhưng tôi thấy rằng nhiều địa phương đã xử lý tốt vấn đề này.
Vậy nếu có những sai phạm, nhũng nhiễu ở các cán bộ cấp cao thì với cương vị là người đứng đầu Bộ TN-MT, Bộ trưởng có sẵn sàng "trảm tướng"?
Về vấn đề xử lý thì phải theo phân cấp. Bộ TN-MT cũng có một số thẩm quyền nhưng chỉ liên quan đến chính sách là chính, còn thực hiện chủ yếu là ở cấp tỉnh. Việc cấp đất như thế nào thì đều do các địa phương quyết định, chứ Bộ không trực tiếp làm. Còn nếu xảy ra sai phạm thì chắc chắn phải xử lý theo đúng quy định.

"Phải tránh thu hồi đất nhiều, thu hồi một cách tùy tiện và thu hồi mà không đưa vào sử dụng"

Một trong những vấn đề hàng đầu được người dân quan tâm hiện nay là việc thu hồi đất. Với Luật đất đai mới sắp có hiệu lực, Bộ TN-MT đã có quán triệt như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng vấn đề thu hồi đất sẽ liên quan đến quyền của Nhà nước và quyền của người dân. Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng đất đai là sở hữu của toàn dân và Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu. Người dân có rất nhiều quyền trong đó, như chuyển nhượng, quyền người dân được giao đất... Đất đai gắn liền với sinh kế của người dân nên có vai trò rất quan trọng.
Nói là công nghiệp hóa, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp nhưng đó là cả một quá trình, cho nên vấn đề thu hồi đất của người dân cần phải hết sức quan tâm.
Trong quá trình chuẩn bị Luật, những vấn đề liên quan đến thu hồi đất được Quốc hội bàn rất kỹ, vì nó có tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Còn vấn đề tiền bồi thường thì cần phải thỏa thuận.
Cho nên chúng tôi luôn quán triệt phải tránh thu hồi đất nhiều, thu hồi một cách tùy tiện và thu hồi mà không đưa vào sử dụng thì sẽ tiếp tục được bàn bạc tới đây.
Ngoài việc thu hồi đất để phục vụ các dự án của nhà nước, việc thu hồi đất làm nghĩa trang cũng gây không ít bức xúc cho người dân. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Hiện nay có 2 nội dung thu hồi đất mà người dân phản đối rất nhiều, đó là bãi rác, cơ sở xử lý rác thải và làm nghĩa trang. Nhưng đây là hai lĩnh vực rất cần thiết, cho nên theo tôi phải vận động người dân.
Chẳng hạn như khu vực Thanh Tước, Trường Đại học TN-MT có 4 - 5 ha nhưng giờ Hà Nội thu lại để mở rộng nghĩa trang Thanh Tước và người dân cũng phản đối. Việc này người dân cũng phải thấy rằng mình có phần trách nhiệm trong đấy, chứ chúng ta cứ cục bộ, cứ xử lý như thế... thì sau này chúng ta chết sẽ chôn ở đâu?
Có điều các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt công tác tư tưởng về mặt chế độ, chính sách... Những nơi mà phải chịu tác động của bãi rác, nghĩa trang thì nên có chính sách hay có những cách làm đổi mới hơn, khác đi thì tôi cho rằng người dân sẽ đồng tình ủng hộ.
Vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản cũng được cho là chưa giải quyết thỏa đáng ở Luật đất đai cũ. Vậy với Luật đất đai mới sắp có hiệu lực, liệu việc cấp phép này có được quản lý chặt chẽ hơn không, thưa Bộ trưởng?
Trong thời vừa qua, nhất là Luật đất đai 2010 tương đối mở với khoáng sản nhất là các vấn đề về khai thác, cấp quyền... tức là không được quản lý chặt chẽ cho nên dẫn đến việc đào bới, khai thác không hiệu quả, lãng phí. Nhưng đến luật mới thì sẽ có sự đánh giá để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như doanh nghiệp.
Bây giờ đưa ra đấu giá thì tất nhiên những người có tiền mới tham gia. Sau khi có kết quả đánh giá thì sẽ phải nộp một khoản tiền nhất định nên những người mà "tay không bắt giặc", chỉ là đơn vị làm thủ tục rồi bán thì việc này sẽ không thể xảy ra nữa. Đây là một sân chơi rất sòng phẳng, sẽ không có chuyện này, chuyện khác.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Duyên Duyên (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.