Chính phủ sẽ không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Toàn bộ số tiền bỏ ra xử lý ngân hàng yếu sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu.

Quan điểm này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 1/4, xoay quanh câu chuyện tái cơ cấu, mua lại và xử lý các ngân hàng yếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua.

Nói về việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, khi ngân hàng thương mại gặp khó khăn, thua lỗ, NHNN cần có biện pháp xử lý phù hợp như yêu cầu tự tái cấu trúc; thực hiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại tự nguyện hoặc bắt buộc. NHNN trực tiếp hoặc chỉ định ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại cổ phần, vốn góp của ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường tài chính và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định.


Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Chính phủ không sử dụng ngân sách để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, mua lại và xử lý ngân hàng yếu kém. Ảnh: Tuổi trẻ

Việc can thiệp bắt buộc của NHNN thông qua mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém để xử lý, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.

“Việc NHNN mua, tiếp quản ngân hàng và mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng yếu và chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã áp dụng. Đây cũng là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, NHNN kiên quyết xử lý triệt để, tái cơ cấu những tổ chức này, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng”- Bộ trưởng Nên nói.

Trước ý kiến lo ngại, rằng chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của NHNN có hiệu quả chưa rõ ràng, trong khi NHNN lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Ông cũng nêu quan điểm của Chính phủ, là không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì NHNN sử dụng nguồn vốn của NHNN theo quy định của pháp luật. “Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”- người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

Nói thêm về quan điểm điều hành của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, quan điểm của NHNN là đảm bảo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước, tránh đổ vỡ hệ thống. Cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và có giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho quá trình cơ cấu này.

Nguyễn Hoài (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.