CafeLand - Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực, nên kể từ thời điểm này, việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh. Như vậy, giờ đây người mua nhà yên tâm với việc chủ đầu tư chậm bàn giao hoặc không thể bàn giao nhà.

Trên thị trường bất động sản bên cạnh một số doanh nghiệp nhanh chóng ký thỏa thuận với ngân hàng để bảo lãnh cho khách hàng của mình thì vẫn còn nhiều “ông lớn” trong ngành giới bất động sản “im hơi, lặng tiếng”.

Ngay khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có hiệu lực, nhiều doanh nghiêp bất động sản đã công bố những thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng để bảo lãnh cho khách hàng khi mua nhà. Một số cái tên điển hình phải kể đến như tập đoàn Novaland đã thỏa thuận với VPBank bảo lãnh 4 dự án gồm The Sun Avenue, The Tresor, River Gate và Lucky Palace. Hay mới đây, Sacomreal cũng công bố thông tin các ngân hàng như ACB, HDBank và OCB cùng tham gia bảo lãnh cho khách hàng mua nhà tại dự án Jamona City. Một dự án khác như Masteri Thảo Điền của Công ty CP Đầu tư Thảo Điền cũng được Techcombank bảo lãnh.

Một số cái tên nổi bật trên thị trường bất động sản như Hưng Thịnh Corp cũng đã ký kết hợp tác bảo lãnh cho các dự án của Hưng Thịnh với các ngân hàng như VietBank, SCB, Sacombank, Vietinbank và BIDV. Công ty CP ĐT và KD nhà Khang Điền cũng ký thỏa thuận hợp tác với Eximbank trong việc bảo lãnh cho các dự án của mình.

Để thuận lợi cho việc bán nhà, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng tìm ngân hàng để hợp tác bảo lãnh.

Các doanh nghiệp bất động sản ký thỏa thuận hợp tác với ngân hàng bảo lãnh nhà cho các dự án của mình như là một cam kết về uy tín và thương hiệu của mình đối với khách hàng. Khách hàng có thể “yên tâm” về tiến độ nhận nhà trong tương lai vì khi chủ đầu tư chậm giao nhà hoặc không thể giao nhà thì khách hàng được ngân hàng bảo lãnh nhận lại tiền gốc và bồi thường. Điều này xóa tan tâm lý lo sợ những chủ đầu tư yếu kém không thể bàn giao nhà đúng thời hạn hoặc tệ hơn là bị chủ đầu tư “bỏ rơi”. Thực tế trong giai đoạn khó khăn của bất động sản như thời gian qua nhiều khách hàng đã bị thiệt hại nặng nề bởi chủ đầu tư bỏ trốn hoặc không đủ năng lực tài chính để tiếp tục triển khai dự án.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hung Thinh Corp cho biết: Việc ký kết hợp tác bảo lãnh với ngân hàng không chỉ giúp đảm bảo tuyệt đối quyền lợi cho người mua nhà mà còn góp phần tăng thêm niềm tin đối với khách hàng và các nhà đầu tư, đồng thời giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Trước đây nhiều người lo sợ quy định này sẽ làm tăng giá nhà do phí bảo lãnh hoặc khó triển khai trong thực tế vì những phức tạp trong việc thế chấp tài sản. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2015/TT-NHNN mới ban hành quy định các TCTD được quyền quyết định về mức ký quỹ so với giá trị bảo lãnh và mức phí bảo lãnh với chủ đầu tư. Như vậy, mức phí cao hay thấp và tài sản ký quỹ bao nhiêu đều là do thỏa thuận giữa ngân hàng và chủ đầu tư. Tỷ lệ ký quỹ và mức phí cao hay thấp phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chủ đầu tư với ngân hàng, uy tín chủ đầu tư và mức độ rủi ro của từng dự án.

Trao đổi với CafeLand, ông Nguyễn Đình Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Khang Điền cho biết giá nhà tại các dự án của Khang Điền sẽ không tăng bởi phí bảo lãnh. Ông Bảo giải thích các dự án Khang Điền đang đầu tư đều có pháp lý minh bạch, sản phẩm thực và bàn giao nhà đúng tiến độ do đó hầu như ngân hàng không chịu rủi ro nào khi bảo lãnh các dự án này.

Quan sát cho thấy hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa công bố việc thỏa thuận bảo lãnh với ngân hàng dù việc bảo lãnh này gần như bắt buộc. Rất nhiều doanh nghiệp bất động lớn chưa công bố thỏa thuận như Địa ốc Hoàng Quân, Bất động sản Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai, Nhà Từ Liêm, Sudico, Phú Mỹ Hưng… Quan sát cũng cho thấy hầu hết doanh nghiệp bất động sản công bố việc bảo lãnh nhà đều là những doanh nghiệp phía Nam trong khi đó hầu hết doanh nghiệp bất động sản phía Bắc vẫn “im hơi, lặng tiếng”. Trước đây nhiều khách hàng mua nhà tại các dự án của Sông Đà Thăng Long, Quốc Cường Gia Lai… phải nhiều phen “cay đắng” vì không thể nhận nhà như cam kết, thậm chí xảy ra kiện tụng.

Hiện nay, trong các hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai đều có quy định về các điều khoản bồi hoàn khi nhà bị giao chậm tiến độ hoặc chủ đầu tư không thể bàn giao nhà. Tuy nhiên, trên thực tế khi xảy ra “sự cố” thì phần thiệt thòi luôn thuộc về người mua nhà. Việc kiện tụng để đòi chủ đầu tư bồi hoàn như trong hợp đồng thường phức tạp và kéo dài do vậy khách hàng thường “buông xuôi”. Thậm chí nhiều khách hàng còn gần như “mất trắng” khi chủ đầu tư phá sản hoặc mất năng lực tài chính.

Như vậy, rõ ràng để tạo được uy tín với khách hàng cũng như khẳng định thương hiệu của mình thì chủ đầu tư nên công bố các thỏa thuận. Đối với khách hàng thì nên thận trọng với những dự án chưa có cam kết bảo lãnh vì điều đó cho thấy chủ đầu tư chưa quan tâm đầy đủ các lợi ích của khách hàng.

  • Bảo lãnh ngân hàng: Lợi bên mua, hại bên bán

    Bảo lãnh ngân hàng: Lợi bên mua, hại bên bán

    CafeLand - Theo các chuyên gia, việc điểm mới về bảo lãnh ngân hàng được quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 nhằm bảo vệ cho người mua nhà nhưng bất lợi cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại tại buổi tọa đàm “Thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai” do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức chiều 23/6.

  • Bảo lãnh bán nhà: Thêm "cú sốc" mới cho doanh nghiệp?

    Bảo lãnh bán nhà: Thêm "cú sốc" mới cho doanh nghiệp?

    CafeLand - Quy định mua bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh được kì vọng là giải pháp tốt giúp khách hàng tránh được cảnh mất trắng khi góp vốn mua nhà. Tuy nhiên, đây cũng có thể sẽ là một cú sốc lớn cho thị trường bất động sản.

  • Bảo lãnh ngân hàng không phải là cú hích kích cầu nhà ở

    Bảo lãnh ngân hàng không phải là cú hích kích cầu nhà ở

    CafeLand - Theo quy định Luật Kinh doanh BĐS 2014 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, doanh nghiệp muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có việc phải mua bảo lãnh trách nhiệm cho người mua nhà. Có ý kiến cho rằng, quy định này dù đảm bảo an toàn tài sản cho người mua nhưng không phải là cú kích kích cầu nhà ở.

  • “Không nên buộc 100% dự án phải mua bảo lãnh bán nhà”

    “Không nên buộc 100% dự án phải mua bảo lãnh bán nhà”

    CafeLand – Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành về việc chủ đầu tư dự án bất động sản sắp tới khi bán nhà ra thị trường buộc phải mua bảo lãnh trách nhiệm cho người mua nhà.

Phương Lam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.