CafeLand - Tăng trưởng kinh tế được cải thiện, thị trường bất động sản đang ấm dần và lạm phát, lãi suất đều ở mức thấp. Đó là những dấu hiệu rất tích cực về nền kinh tế. Tuy nhiên, tiềm ẩn sau đó vẫn là những rủi ro rất lớn của kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Ảnh hưởng của suy thoái Trung Quốc

Sau những ngày lao dốc của thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế suy giảm và xuất khẩu, dự trữ ngoại hối sụt giảm, Trung Quốc đã phải phá giá NDT gần 5%. Động thái của Trung Quốc đã gây ra một đợt chao đảo đối với thị trường tài chính toàn cầu. Hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều điều chỉnh tăng giá so với USD. Mặc dù mới đây Trung Quốc khẳng định sẽ không tiếp tục phá giá NDT nhưng nhiều chuyên gia trên thế giới vẫn nhận định Trung Quốc có thể phá giá thêm 5% nữa.

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm Việt Nam nhập siêu hơn 30 tỷ USD từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hiện nay vốn đầu tư, vốn vay từ Trung Quốc vào Việt Nam đang rất lớn. Không chỉ có vậy các doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện rất nhiều công trình, dự án lớn ở Việt Nam. Do vậy, nếu kinh tế Trung Quốc khó khăn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam.

2. Tái cấu trúc nửa vời

Nhiều người kỳ vọng sau khủng hoảng năm 2008, Việt Nam sẽ “Đổi mới” lần 2. Thực tế thì Chính phủ cũng đã thực hiện các đề án tái cấu trúc Ngân hàng, Đầu tư Công, Doanh nghiệp nhà nước để làm tiền đề cho tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, sau 7 năm trôi qua thì kết quả thực hiện đạt được những thành công rất hạn chế.

Đối với lĩnh vực đầu tư công thì quá trình này gần như không đạt được tiến bộ đáng kể nào. Sau khi thắt chặt đầu tư công năm 2010, 2011 đầu tư công lại bị bung ra. Điều quan trọng hơn đối với đầu tư công là hiệu quả không cao. Suất đầu tư các công trình do nhà nước đầu tư vẫn rất cao trong khi đó hiệu quả không rõ ràng, nguồn lực khan hiếm, vốn nhà nước không được phân bổ vào những khu vực tạo ra hiệu quả cao nhất.

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có một bước tiến mạnh mẽ trong việc xử lý một số ngân hàng yếu kém thông qua việc sáp nhập hoặc bị Nhà nước mua lại. Tuy nhiên, điều này dường như là chưa đủ để hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự lành mạnh. Cục nợ xấu hiện tại còn quá lớn và quản trị ngân hàng cũng thiếu minh bạch. Chính sách tái cấu trúc nửa vời và thiếu đồng bộ khiến kết quả đạt được không cao. Như vậy, hệ thống ngân hàng còn phải trải qua một thời gian tái cấu trúc thực sự.

Đối với việc tái cấu trúc DNNN, Chính phủ đã có những thông điệp mạnh mẽ trong việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn. Tuy nhiên, những con số đã thực hiện trong thời gian qua khá khiêm tốn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc quản lý phần vốn của Nhà nước sau cổ phần hóa chưa thực sự cao.

3. Rủi ro nợ công và ngân sách

Trong những năm gần đây, thâm hụt ngân sách đều trên 5% mỗi năm. Mức nợ công hiện nay đang dần chạm mức trần 65% tối đa vào năm 2020. Áp lực trả nợ cũ ngày càng lớn trong khi đó nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng không ngừng gia tăng. Vì vậy, áp lực nợ công của Việt Nam không những không giảm mà ngày càng lớn.

Mới đây Chính phủ phải vay trực tiếp 30.000 tỷ từ NHNN và các cuộc đấu giá trái phiếu Chính phủ liên tục thất bại cho thấy việc vay vốn của Chính phủ đang gặp không ít khó khăn. Hiện nay, huy động trái phiếu đang vướng Nghị quyết quốc hội là Chính phủ không được phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được cảnh báo từ lâu là ngân sách đang phải gánh một bộ máy quá lớn nhưng thiếu hiệu quả. Việc cải cách bộ máy Nhà nước từ lâu đã được đặt ra nhưng dường như rất khó khăn trong thực hiện.

Tổng chi tiêu ngân sách đang lớn hơn 30% GDP, một mức cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới chỉ với mức trung bình 20% đến 25%. Dù vậy, đồng lương trung bình của Công chức Việt Nam lại rất thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng công chức không cao và hiệu năng bộ máy Nhà nước khá thấp.

Như vậy, rõ ràng câu chuyện ngân sách và nợ công của Việt Nam là câu chuyện dài và gần như chưa có lời giải cho cơ chế hiện nay.

4. Xử lý nợ xấu là gánh nặng của nền kinh tế

Từ đầu năm đến nay NHNN đã mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng. Trong đó ngân hàng GPBank được công bố là có vốn chủ sở âm 9.000 tỷ đồng, còn lại con số thua lỗ, nợ xấu cụ thể của Ngân hàng xây dựng và Ngân hàng Đại dương không được công bố nhưng chắc chắn là rơi vào tình trạng thua lỗ. Thông tin mới đây NH Phương Nam có nợ xấu hơn 50% vào năm 2014 hay Đông Á - một ngân hàng nhìn bề ngoài hoàn toàn bình thường như bị rơi vào kiểm soát đặc biệt cho thấy phần nào những “góc khuất” phía sau các ngân hàng Việt Nam.

Đầu năm 2015, VAMC tuyên bố sẽ mua vào khoảng 100.000 tỷ trong năm và nâng số tổng số nợ xấu mua vào lên hơn 200.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5%, tổng dư nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, con số nợ xấu mà VAMC xử lý trong gần 2 năm qua cũng mới chỉ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc xử lý nợ xấu chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Thực tế, VAMC chỉ là một cái kho để ngân hàng cất nợ xấu, làm đẹp các báo cáo tài chính. Việc xử lý nợ xấu thực sự vẫn là ở chính các ngân hàng. Với việc khởi sắc của bất động sản thì nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn. Tuy nhiên, việc “tiêu hóa” cục nợ xấu lại là điều không dễ dàng. Do đó, nợ xấu sẽ là vấn đề dai dẳng của nền kinh tế là gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.