Sau khi nghe đương sự lo sợ mình không vô tư, khách quan, thẩm phán thụ lý bèn từ chối giải quyết vụ án, dù trước đó tòa đã bác đơn xin thay đổi chủ tọa.

Ngày 21-6, TAND TP Cần Thơ đã tuyên bố hoãn xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông La Thành Tài và vợ là NTTN vì thẩm phán thụ lý… không nhận giải quyết vụ án.

Cụ thể, trước ngày dự kiến mở phiên tòa phúc thẩm theo lịch xét xử (ngày 21-6), ông Tài có đơn xin thay đổi thẩm phán nhưng TAND TP Cần Thơ không chấp nhận. Tại buổi gặp ở tòa ngày 21-6, bà thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án hỏi ông Tài vì sao xin đổi thẩm phán. Ông Tài cho biết do phía vợ ông nói “quen biết hết rồi” nên ông lo sợ vụ án giải quyết không khách quan. Bà thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án cho biết dù tòa không chấp nhận đơn xin thay đổi thẩm phán của ông Tài nhưng bà cũng sẽ không nhận giải quyết vụ này nữa.

PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi vì sao thẩm phán từ chối việc tiếp tục giải quyết vụ án nhưng vị này từ chối trả lời.

Vụ án ly hôn này có liên quan đến việc chia tài sản chung là căn nhà do vợ chồng ông Tài đang đứng tên.

Theo đó, tháng 10-2015, TAND quận Ninh Kiều xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của vợ ông, chấp nhận yêu cầu của mẹ vợ ông, buộc ông phải trả lại giá trị căn nhà hơn 1 tỉ đồng cho mẹ vợ để được lưu cư tại căn nhà này.

Theo bản án của tòa sơ thẩm, vợ ông Tài cho rằng căn nhà là do mẹ mình vay mượn và tích cóp mua được nên yêu cầu trả lại nhà cho mẹ. Ông Tài cho rằng nhà là tài sản riêng của vợ chồng nên không đồng ý trả cho mẹ vợ. Ông yêu cầu chia đôi căn nhà cho hai vợ chồng và xin được ở lại trong căn nhà này.

Tòa sơ thẩm cho rằng tài sản chung phải do hai vợ chồng tạo ra. Về mặt pháp luật, căn nhà do vợ chồng ông Tài đứng tên. Mẹ vợ ông Tài nói bà mua cho con gái và con rể đứng tên giùm nhưng không có giấy tờ gì chứng minh nên yêu cầu đòi nhà của người mẹ không có cơ sở.

Ông La Thành Tài cho rằng trên giấy tờ nhà đất đứng tên vợ chồng ông thì tài sản phải được chia đôi. Ảnh: N.NAM

Tuy nhiên, tòa xét khoản tiền mua căn nhà thì bà mẹ trình bày có cơ sở hơn, như người mua nhà nhận tiền trực tiếp từ bà 850 triệu đồng, tiền sửa chữa nhà 220 triệu đồng cũng do bà trả. Cha mẹ vợ ông Tài thế chấp căn nhà đang ở lấy 300 triệu đồng để mua căn nhà trên. Do đó, nếu công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà trên cho vợ chồng ông Tài thì bà mẹ sẽ trả các khoản nợ cho ngân hàng, cho một người bạn và mất đi phần tiền dành dụm của mình.

Tòa sơ thẩm cho rằng việc chứng minh nguồn tiền của ông Tài dùng vào việc chuyển nhượng đất và nhà là không có cơ sở. Từ đó, tòa cho rằng căn nhà không phải do vợ chồng ông Tài tạo lập nên vợ chồng ông phải có trách nhiệm trả giá trị căn nhà lại cho bà mẹ.

Sau đó, vợ chồng ông Tài cùng kháng cáo về phần tài sản. Ông Tài cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét các chứng cứ một cách toàn diện và khách quan, gây thiệt hại quyền lợi của ông…

Lần mở phiên tòa gần đây nhất vào tháng 5-2016, ông Tài xin tòa cho hoãn để bổ sung chứng cứ chuyển tiền mua nhà tại ngân hàng…

Nhẫn Nam (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.