Ngày 2.2, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Đại sứ quán Úc và các bộ ngành của Việt Nam tổ chức diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP.HCM. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và bà Victoria Kwakwa (Giám đốc WB) đồng chủ trì diễn đàn.
ĐBSCL đang đối mặt với nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu - Ảnh: Chí Nhân
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng khoảng 2-3 độ C, mực nước biển sẽ có thể dâng 1 m. Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập. Trong đó, TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, 13 địa phương trong vùng đã hoàn thành việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn.
Diễn đàn lần này tập trung thảo luận về tầm nhìn tổng hợp dài hạn, những bài học kinh nghiệm từ các đồng bằng trên thế giới và phát triển sinh kế bền vững thông qua quản lý thích ứng vùng ĐBSCL trên cơ sở các khuyến nghị của Kế hoạch ĐBSCL, trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo.
Tại diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm từ Hà Lan, bà Tineke Huizinga Heringa, nguyên Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Quy hoạch không gian và môi trường Hà Lan, nói: "Năm 1953 Hà Lan gặp một trận lụt rất lớn, thiệt hại nặng nề. Sau đó chúng tôi có tư duy xây dựng các công trình kiên cố, đê bao để bảo vệ ở khu vực cửa sông. Thời đó, những công trình này được xem như kiệt tác về xây dựng. Nhưng sau một thời gian chúng tôi phải trả giá cho những giải pháp quy mô lớn một cách cứng nhắc như vậy vì những giả định trước đây nó chỉ đúng trong mức độ giới hạn. Ngày nay, chúng tôi thay đổi suy nghĩ và đẩy mạnh áp dụng các quy tắc mềm, mở ra những không gian nhiều hơn cho dòng nước, cho tự nhiên. Chúng tôi ưu tiên cho những giải pháp theo nguyên tắc lâu dài, phi công trình và tích hợp nhiều giải pháp với nhau".
Ông Hugh Borrowman (Đại sứ quán Úc tại Việt Nam) cũng cho biết Úc có vùng đồng bằng Murray tương tự như vùng ĐBSCL của Việt Nam. Giai đoạn đầu khi người châu Âu đến đây, họ đã tập trung khai thác một cách quá mức vùng đồng bằng này làm cho nguồn lực tự nhiên cạn kiệt. Sau đó Úc đã xây dựng một chiến lược phát triển mới theo hướng hiệu quả, bền vững cho toàn lưu vực. Ở ĐBSCL hiện nay việc phát triển cũng dựa vào khai thác tài nguyên nên câu chuyện của vùng đồng bằng Murray có thể có ích giúp Việt Nam có sự lựa chọn hợp lý.
Chí Nhân - Trần Tâm (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.