Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Cô ruột của mẹ tôi (em gái ruột của ông ngoại tôi) không lập gia đình và không có con. Bà có một mảnh đất đã được cấp GCN QSD đất và không xảy ra tranh chấp.
Hiện nay bà muốn lập di chúc chuyển quyền thừa kế mảnh đất đó cho mẹ tôi. Luật sư cho tôi hỏi pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này? Hồ sơ và thủ tục như thế nào? Luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
vinh37@...
Trả lời:
Trường hợp của bạn hỏi, chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Về quyền lập di chúc nhằm để lại di sản thừa kế cho người khác
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, pháp luật công nhận quyền tự do định đoạt quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản của công dân trong đó có quyền lập di chúc nhằm để lại di sản cho một hoặc một số người nhất định (Điều 631, Điều 632 BLDS 2005).
Vì vậy, bà cô của bạn có thể lập di chúc để để lại di sản thừa kế là mảnh đất hiện đang đứng tên bà của bạn sang cho Mẹ của bạn hay bất kỳ người nào khác (theo thông tin của bạn cung cấp thì chúng tôi hiểu rằng thửa đất này đang thuộc quyền sở hữu/sử dụng riêng của bà cô bạn).
Về thủ tục/cách thức lập di chúc
Theo quy định tại Điều 650 BLDS 2005, di chúc bằng văn bản có thể được thể hiện dưới một trong các dạng sau đây:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Cô của bạn cần căn cứ vào điều kiện thực tế của mình và gia đình để lựa chọn bất kỳ một trong các hình thức di chúc được nêu ở trên để thực hiện.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số nội dung sau để bản di chúc có hiệu lực pháp luật:
1. Về nội dung, di chúc phải ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
2. Nếu di chúc được lập bằng văn bản và có người làm chứng thì điều kiện của người làm chứng được quy định như sau:
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
3. Nếu lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có chứng thực
Cô của bạn cần mang bản di chúc đã được soạn sẵn tới bất kỳ Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nào để thực hiện thủ tục chứng thực di chúc.
4. Nếu lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có công chứng
Cô của bạn có thể mang bản di chúc đã được soạn sẵn (hoặc yêu cầu công chứng viên ghi lại nội dung di chúc) tới một tổ chức hành nghề công chứng bất kỳ (Phòng công chứng/Văn phòng công chứng) để thực hiện thủ tục công chứng di chúc.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi, chúc bạn và gia đình hoàn thành thủ tục lập di chúc một cách thuận lợi.
CafeLand kết hợp Công ty luật Danh Chính
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.