Với số vốn 1.000 USD, doanh nghiệp tại các nước đang phát triển có thể cạnh tranh cùng những hãng sản xuất di động khổng lồ bằng cách làm không khác mấy so với trò chơi xếp hình.

Trong một gian phòng nhỏ tại Thẩm Quyến, Cathy Chang đang hỗ trợ khách hàng quốc tế "dựng" nên những mẫu điện thoại riêng cho mình. Qua việc chọn lựa linh kiện có sẵn giống như đặt bánh pizza, khách hàng của Zuoer Shenzhen, nơi Cathy làm việc, có thể trở thành hãng sản xuất điện thoại với số vốn có khi chỉ khoảng 1.000 đôla mà không đòi hỏi kinh nghiệm.

Zuoer chỉ là một trong rất nhiều hãng sản xuất di động từ những linh kiện trị giá 20 đôla. Với đơn hàng tối thiểu 50 chiếc, chỉ trong 6 tuần Zuoer có thể lắp ráp xong những chiếc điện thoại sử dụng vỏ riêng, cùng màn hình LCD, bảng vi mạch, và pin từ những nhà sản xuất khác. Điều này giúp bất kỳ một khách hàng nào của Zuoer có thể cạnh tranh trực tiếp với Samsung trên thị trường điện thoại di động toàn cầu giá trị 410 tỷ USD.

Với các công nghệ được chuẩn hóa và đơn giản hóa, việc sản xuất di động ngày càng trở nên dễ dàng.

Không cần đội ngũ kỹ sư phần mềm và phần cứng hùng hậu như Nokia, Motorola và BlackBerry cách đây một thập kỷ, Zuoer và các công ty tương tự có thể lắp ráp điện thoại nhờ vào những nền tảng đã có trước đó. Ví dụ điện thoại các hãng này sử dụng hệ điều hành Android miễn phí của Google, được trang bị các chip đã được phát triển bởi ARM.

Xu thế dùng màn hình cảm ứng vốn được Apple phổ biến, cũng giúp họ cũng tránh được các chi phí đắt tiền liên quan đến đến chế tạo và thiết kế bàn phím vật lý.

Đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa đã mở đường cho hàng loạt những đối thủ của Samsung, Nokia, Motorola phát triển nở rộ trên thị trường Trung Quốc. Chưa tới 5 năm, Xiaomi trở thành nhà phân phối điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới, còn Oneplus đã tiếp cận được thị trường 35 quốc gia sau chưa đầy 2 năm thành lập.

Làm ra một chiếc điện thoại di động đã trở nên dễ dàng như việc xây dựng một ngôi nhà Lego (thương hiệu trò chơi xếp hình nổi tiếng của Đan Mạch). Rào cản gia nhập thị trường thấp khiến những thương hiệu đã có chỗ đứng bị tổn thương và lợi nhuận bị dàn trải. Theo tính toán của Bloomberg, năm 2014, tổng thị phần của 5 hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới đã giảm xuống dưới 50%

John Butler thuộc bộ phận nghiên cứu hãng nhận định “Sự trỗi dậy của những nhà sản xuất điện thoại phân khúc giá thấp đang lấy đi thị phần của Samsung”. Ông tính toán nếu tính đơn lẻ thì những hãng này không thể so sánh được với gã khổng lồ, song khi gộp lại, chúng sẽ khiến lợi nhuận của Samsung và một số hãng công nghệ lớn tụt giảm.

Một số khách hàng trải nghiệm điện thoại Xiaomi tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Dù Samsung vẫn là nhà sản xuất di động số một thế giới, nhưng thời gian qua, lợi nhuận và sản lượng bán hàng mảng di động của Samsung đã suy giảm. Tháng 6 vừa qua, theo thống kê của IDC, thị phần hãng trên toàn cầu trong quý I/2015, co lại xuống còn 25% từ mức 31% cùng kỳ.

Tại Trung Quốc, thị phần của đại diện đến từ Hàn Quốc trong quí I co lại 50% so với năm 2014, xuống còn 9,7%. Trong khi đó, thị phần của Xiaomi tăng từ mức 9,2% quý I/2014 lên 13,7% đưa hãng này đứng ở vị trí thứ 2 sau Apple (14,7%).

Smartphone đang phổ biến hơn bao giờ hết và dần trở thành mặt hàng thông dụng. Bloomberg Intelligence tính toán giá trung bình của một chiếc điện thoại di động đã giảm 30% trong vòng 5 năm qua.

Điều này giúp smartphone nằm trong tầm với của 2 tỷ người ở những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Sản xuất điện thoại dễ dàng cũng tạo điều kiện cho những hãng mới nổi có thể tập trung nhiều nguồn lực hơn vào các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết kế logo. Ở Trung Quốc, những lĩnh vực này thậm chí còn có thể thuê ngoài.

Đức Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.