Với những gì đã thể hiện trên truyền thông và thực tế, Pokemon GO xứng đáng là trò chơi điện tử hàng đầu hiện nay. Nhưng bên cạnh đó còn khá nhiều vấn đề cần bàn về sản phẩm này.

Pokemon GO tiềm ẩn nhiều mối nguy cho người dùng và cả những người xung quanh - Nguồn: Shutterstock

Chính thức ra mắt từ ngày 6/7/2016, Pokemon GO đã có sẵn trên kho ứng dụng các thiết bị dùng hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google. Và dù chỉ mới được phân bố ở thị trường Bắc Mỹ, nước Úc và một phần châu Âu, sức lan tỏa của trò chơi này gần như không thể cản được.

Hiện tượng của làng game...

Pokemon GO là tựa game đầu tiên của dòng game thực tế ảo. Để chơi trò này, game thủ cần có một thiết bị di động có trang bị bản đồ định vị GPS, camera trước và "bắt" những con thú trong Pokemon (vốn là tên của một phim hoạt hình Nhật Bản, nổi bật nhất là nhân vật Pikachu).

Điểm khác biệt của Pokemon GO là nó buộc người dùng phải di chuyển theo bản đồ thật nơi họ đang sống (nên cần có GPS và camera). Một phần nào đó, Pokemon GO giải quyết được việc người chơi không ngồi một chỗ, thay vào đó phải vận động, tìm tòi, sẵn sàng tới những địa điểm xa lạ để "bắt" Pokemon, tích lũy thêm những món đồ, kỹ năng của mẫu thú đang sở hữu.

Pokemon GO còn kết nối nhiều người khi tập trung ở các điểm PokeStops hay Gyms, thay vì phải trò chuyện ảo và phải tổ chức offline để gặp mặt nhau như các game khác.

Sự mới lạ ấy góp phần khiến Pokemon GO nhanh chóng xô đổ hàng loạt kỷ lục về lượt tải, cán mốc 30 triệu lượt trên App Store và Google Play. Reuters ngày 21/7 dẫn lời các nhà phân tích dự báo trong vòng 18 tới 24 tháng nữa, Apple sẽ đạt doanh thu tới 3 tỷ USD cho riêng ứng dụng này.

Bên cạnh số lượt tải, Apple cũng thu lợi lớn từ việc bán PokeCoins - một dạng tiền ảo tương tự các game khác. Một gói 100 PokeCoins hiện có giá 99 cent trên App Store. Nhà phân tích Laura Martin của Hãng Phân tích Needham & Co nhận định, tỷ lệ người chơi chi tiền thật trong Pokemon GO hiện nay cao gấp 10 lần Candy Crush - một tựa game nổi tiếng cách đây vài năm.

Sức hút của Pokemon GO dĩ nhiên kéo theo vô vàn chuyện bi hài. Tại Hàn Quốc, người ta thấy nhiều thanh thiếu niên chấp nhận di chuyển về vùng quê, gần biên giới Triều Tiên để chơi game này với lý do Hàn Quốc chưa cho phép chơi Pokemon GO vì vấn đề bản đồ. Khắp nơi, kể cả Việt Nam, dù Pokemon GO chưa "đặt chân" tới, nhưng đã xuất hiện các bản "hack" bản đồ giả, có người đã trải nghiệm.

... Và hiểm họa

Game trên thiết bị di động thường không ẩn chứa nhiều hiểm họa như các loại game nhập vai, ít tốn tiền hơn, ít có khả năng làm người chơi chết gục sau nhiều ngày chơi liên tục. Thế nhưng, với Pokemon GO có thể có hiểm họa về tai nạn, kể cả tai nạn giao thông và an ninh.

Hôm 21/7, trong lúc các game thủ Nhật Bản (quê hương của Pokemon và Nintendo - hãng sở hữu game này) đang mong ngóng ngày ra mắt Pokemon GO, Trung tâm Quốc gia về ứng phó tai nạn và chiến lược an ninh mạng (NISC) đã đưa ra hàng loạt khuyến cáo về an ninh, rủi ro, cách thức bảo mật cho người chơi.

Người Nhật lo xa là phải, vì chỉ sau vài ngày ra mắt, Pokemon GO đã gián tiếp dẫn tới hàng chục vụ nạn nhân ở Missouri do bị cướp có vũ trang khi đang đi tìm Pokemon ở nơi vắng vẻ, cũng như hàng chục ca xây xát do vấp ngã trong lúc dán mắt vào màn hình đi tìm Pokemon. Báo Canada Toronto Sun vừa qua đăng tải đoạn video có tên "Những vấn đề của Pokemon GO", diễn tả những rắc rối mà trò chơi này mang lại cho diễn viên Mark Correia trên đường phố, trong lúc sinh hoạt để cảnh báo người dân.

Các địa điểm may mắn (hoặc xa hơn là ký hợp đồng) được trò chơi này gắn vị trí PokeStop sẽ nhận được lợi thế quảng bá, buôn bán. Nhưng "đi tìm Pokemon" có thể là lý do rất hợp lý cho những kẻ lạ mặt lảng vảng quanh nhà người chơi. Liệu họ sẽ làm gì tiếp theo? Cướp hay khủng bố? Đó là những trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin tuần trước, trong một cuộc họp báo đã nhắc nhở người Nga tuyệt đối không lảng vảng quang khu vực Kremlin, do "cơn sốt" Pokemon GO đã sớm đặt chân tới Nga dù ở đây chưa chính thức phát hành game này.

Thêm một vấn đề nữa là sức hút từ Pokemon GO đã kéo theo vô số các ứng dụng "ăn theo" theo kiểu "Hướng dẫn chơi Pokemon GO", và cả ứng dụng "hẹn hò trên Pokemon GO". Các chuyên gia cũng khuyến cáo về khả năng bảo mật. Các nhóm tin tặc có thể mạo danh game này cài virus vào máy người dùng, cũng như một nhóm tin tặc tuần trước đã dọa sẽ đánh sập Pokemon GO vào đầu tháng 8 tới.

Thái Bảo (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.