Khẳng định nợ công hiện vẫn trong ngưỡng an toàn, song theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, kỷ luật ngân sách cần được thắt chặt để đảm bảo cân đối và có khả năng trả các khoản vay trong những năm tới.

Trước thềm phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản trả lời một số vấn đề được đại biểu quan tâm, liên quan tới nợ công, ngân sách, công tác quản lý giá, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...

Là vấn đề được nêu đầu tiên trong báo cáo, đại diện ngành tài chính cho biết theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, dao động trong khoảng 50,1-51,8%, riêng ước tính năm 2013 là 54,1%. Bộ trưởng nhận định, nợ công hiện vẫn ở dưới mức theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định phải tăng thu ngân sách từ 12-14% mới đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Ảnh: PV

Báo cáo cũng cho biết, trong cơ cấu có khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi, thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do đó, theo Bộ Tài chính, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.

Nguyên nhân nợ, theo đại diện ngành, chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Phần lớn phạm vi này bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Còn đối với Việt Nam, theo quy định của luật hiện hành, nợ công còn bao gồm các khoản vay của chính quyền địa phương.

Về khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng cho biết đây là nghĩa vụ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm và việc chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Vì vậy, theo ông Đinh Tiến Dũng, cần thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng ở lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng, các khoản nợ này và nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đều đã được tính trong phạm vi nợ công. Riêng các khoản của doanh nghiệp không được tính bởi các đơn vị này là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ, trách nhiệm tự trả nợ.

Tại báo cáo, Bộ trưởng cũng cho biết khả năng cân đối nguồn trả nợ. Theo Bộ Tài chính, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi Ngân sách Nhà nước đến 2015 và giai đoạn 2016-2020, để đảm bảo khả năng trả nợ cần phải thực hiện đúng các kế hoạch đề ra. Cụ thể, phải tăng thu 12-14% một năm, cân đối Ngân sách Nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý, mới có thể dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Mặt khác, các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Đồng thời, về cơ bản, Việt Nam phải đảm bảo không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần nâng cao hiệu quả quỹ tích lũy để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại, định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời, tái cơ cấu nợ một cách hiệu quả...

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tập trung giảm bội chi, cơ cấu lại nợ và các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.