Nhìn cô gái trẻ thò tay vốc từng vốc... ấu trùng (dòi) ruồi bò lúc nhúc trong thau nhựa, luôn miệng thuyết minh: "Loại ruồi này rất có ích", nhiều người sẽ phát hoảng vì ghê. Nhưng với Lê Hồ Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Pi Link, đó là biết bao công sức, tâm huyết nghiên cứu gây giống loài côn trùng này để tìm cơ hội khởi nghiệp.

Xu hướng mới tạo cơ hội mới

Sẽ càng bất ngờ hơn khi biết Thảo đã bỏ hết tất cả công việc, sự nghiệp ở phố để về vùng quê nuôi ruồi. Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Thanh Thảo trở thành nhân viên của Ngân hàng HSBC. Công việc và mức thu nhập tốt ở đây không làm cô nguôi ngoai đam mê nghề nông.

Thảo xin nghỉ, gom vốn liếng ra ngoại thành mở liền hai trại nuôi bồ câu ở Củ Chi và Long An với quy mô lên đến 1.500 cặp, cung cấp bồ câu thịt cho các nhà hàng. Thảo cũng không ngờ công việc hằng ngày ở trại bồ câu đã dẫn dắt mình đến một con đường mới: "Đến nay, trang trại bồ câu vẫn phát triển tốt. Nhưng ngay từ lúc mới nuôi, tôi bắt đầu nhận thấy một số hạn chế, nhất là việc xử lý vệ sinh môi trường ở trại. Lượng phân bồ câu thải ra nhiều gây mùi nặng, ruồi khá nhiều. Nhưng chính lúc loay hoay tìm cách xử lý việc này tôi bắt đầu để ý đến con ruồi lính".

Cùng với một đồng nghiệp có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực thú y, Thanh Thảo bắt đầu nghiên cứu về loại ruồi này. Càng tìm hiểu, Thảo càng thấy chúng có rất nhiều lợi ích.

Cô cho biết: "Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, là loại ruồi được nhiều nước trên thế giới sử dụng để phân hủy rác thải hữu cơ rất hiệu quả. Ruồi lính đen có sẵn trong môi trường tự nhiên nước ta, con trưởng thành có hình dạng dễ nhầm với con ong. Vòng đời của ruồi lính đen khá ngắn, chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng".

Một điều thú vị nữa Thảo nhận thấy khi nghiên cứu, so sánh với loại ruồi nhặng vốn rất dễ trở thành nguồn truyền bệnh nếu mở rộng quy mô nuôi là ruồi lính hoàn toàn không gây bệnh cho các loại vật nuôi, cây trồng xung quanh.

Thời điểm đó, song song với việc nuôi bồ câu, Thanh Thảo có thời gian nuôi sâu Super Worm cung cấp cho hệ thống tiệm chim cảnh trong thành phố và bắt đầu tạo được một mạng lưới tiêu thụ khá tốt. Tuy nhiên, loại sâu này sau đó đã bị cấm nuôi vì có hại. Thảo quyết định phát triển việc nuôi ruồi lính để làm thức ăn chăn nuôi.

Theo cô: "Sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi là xu hướng tất yếu của thế giới. Đặc biệt, loài ruồi lính đen được Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công nhận là giống côn trùng được ưu tiên trong việc xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein để thay thế cho nguồn tài nguyên thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Thậm chí, hàm lượng dinh dưỡng của ruồi lính tương đương với cá biển dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc".

Muốn làm nhà nông "tử tế”

Xu hướng mới luôn tạo ra cơ hội mới, Thảo cứ nhằm vào đó với tất cả niềm tin khi bắt tay xây dựng kỹ thuật chăn nuôi và phát triển quy trình. Nhưng quá trình nhân nuôi đàn không trơn tru như mường tượng.

Ấu trùng ruồi lính ăn rác thải, phế phẩm rau củ quả, phân gia súc, gia cầm nhưng tỷ lệ quy đổi 100kg rác mới được 20kg ấu trùng. Nếu tăng quy mô đòi hỏi phải có bãi rác tập trung, hơn nữa, việc phân loại rác ở đầu vào tại Việt Nam chưa thể thực hiện, rác lại lẫn nhiều chất độc nên ấu trùng dễ chết.

Phải mất thêm 6 tháng nghiên cứu, Thảo và đồng nghiệp mới nhân nuôi thành công. Hiện nay, mỗi ngày trại ruồi của Thảo có thể cho ra 20kg ấu trùng thành phẩm.

Con số khiêm tốn nhưng khi nhìn vào nhu cầu của thị trường, Thảo tràn đầy tự tin: "Nhu cầu thị trường hiện nay có thể lên đến 1 tấn mỗi ngày. Chúng tôi sử dụng chính nguồn phân bón từ trại bồ câu để làm thức ăn cho ấu trùng, tạo thành một quy trình khép kín, ngoài ra còn có nguồn phế phẩm rau củ quả, thức ăn thừa ở khu công nghiệp. Với giá bán trên thế giới khoảng 2 - 3 USD/kg, kinh doanh ấu trùng tươi rất hứa hẹn".

Việc phân phối sẽ thông qua hệ thống cửa hàng bán thức ăn chim cảnh đã có sẵn, ngoài ra Thảo cũng tạo được đầu mối tại Buôn Ma Thuột để bán ra các tỉnh phía Bắc. Một số trại nuôi tôm tại Khánh Hòa đã thử nghiệm dùng ấu trùng làm thức ăn nuôi tôm, các trại nuôi dế ở Long An cũng bắt đầu tìm hiểu về loại ruồi này.

Thảo cho biết, việc duy trì trại bồ câu giúp Công ty có được nguồn tài chính để theo đuổi việc nhân nuôi ruồi lính đen nên Thảo có kế hoạch mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống giết mổ, cung cấp thịt bồ câu tươi.

"Mục tiêu mở rộng quy mô nuôi ruồi lính đen chúng tôi đã có kế hoạch nhưng bước đầu vẫn trong giai đoạn thử nghiệm một số yếu tố kỹ thuật để hoàn thiện quy trình nuôi. Từ đây còn hướng sang nghiên cứu và nhân nuôi các loại côn trùng có ích khác. Quan trọng nhất là việc huy động vốn, chúng tôi sẽ kêu gọi nhiều nguồn để có được nền tảng vững chắc nhất", Thảo nói.

Cô không ngần ngại bày tỏ thêm ước mơ nỗ lực để trở thành một người làm nông tử tế, xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Phương Lâm (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.